Bố mẹ mất sớm, Nha Xoa chỉ còn bà ngoại đã già yếu lắm. Nhà quá nghèo, Nha Xoa phải đi làm thuê cho chủ làng, kiếm cơm nuôi bà. Nha Xoa làm quần quật suốt ngày, quần áo rách mướp, thế mà chỉ được trả công mỗi ngày hai bát cơm. Nha Xoa ăn một bát, còn một bát đem về nuôi bà. Đường đất xa, về đến nhà cơm đã nguội ngắt, và ăn chẳng được, Nha Xoa đành phải xin chủ làng đất để gieo lúa, kiếm gạo nấu cho bà bát cơm nóng.
Chủ làng đã không cho, lại còn đuổi anh ra khỏi nhà, không thuê nữa.
Nha Xoa lên rừng phá hoang. Khi mảnh đất phá vừa đủ rộng trải mười chiếc chiếu thì tên chủ làng đến bảo:
– Đất này là của làng. Ai cho phép mày đến phá?
Nha Xoa lại phải đi tìm chỗ khác. Vừa phát được mảnh đất thì chủ làng lại xộc đến chiếm. Nó chỉ đỉnh núi đá phía trước:
– Chỉ ở trên kia mới có đất hoang. Mày có giỏi thì lên đấy mà phát.
Hòn núi đá xanh cao sừng sững. Trên đỉnh núi, quanh năm mây phủ, chưa hề có ai đặt chân đến.
Nhưng chẳng còn chỗ nào hơn, Nha Xoa bèn đi đào hai gánh củ mài, một gánh để ở nhà cho bà, còn một gánh thì thồ trên lưng để ăn đường và quyết tâm lên núi phá hoang. Đường lên đỉnh núi dốc ngược, lởm chởm những đá. Nha Xoa phải bò lần lên. Đá nhọn cứa rách chân tay, quần áo. Nha Xoa cắn răng chịu đau, bò lên mãi. Lúc nào đói Nha Xoa mới nghỉ ăn, ăn một củ mài cầm hơi rồi lại trèo núi. Trèo được bảy ngày, ăn hết gánh củ mài thì Nha Xoa đến đỉnh núi. Trên đỉnh núi có một khoảng đất bằng, gỗ mục, cỏ khô phủ một lớp dày. Nha Xoa đốt, ngọn lửa bốc cao, khói bay tận trời xanh trong vắt, tụ lại thành một đám mây đen nghịt. Chờ cho đất nguội, Nha Xoa xuống núi. Anh đã tìm được con đường đi tắt ngắn hơn, chỉ mất một ngày là về đến nhà. Nha Xoa đến nhà chủ làng vay thóc giống. Tên chủ làng cười, chế giễu:
– Nhà mày có cái gì để trả mà đòi vay giống?
Nha Xoa van mãi, lão vẫn làm ngơ. Nha Xoa lòng buồn vô hạn, trở về nhà. Lúc qua suối thấy có mấy hạt bầu ai vứt ở bến nước. Nha Xoa bèn nhặt lấy, đem lên đỉnh núi tỉa bốn gốc.
Nha Xoa lại trở về, đào củ mài để nuôi bà, chờ ngày bầu ra quả. Những đám khói đen hôm Nha Xoa đốt rẫy cứ quyện và nhau, bay mãi lên tận nhà trời. Ông trời vén mây ra xem, thấy Nha Xoa khổ cực quá, bèn hóa phép cho bầu kết quả ngay. Khi Nha Xoa trở lại, thì những quả bầu đều đã khô nằm kín mặt đất. Nha Xoa đứng ngần ngơ tiếc rẻ không kịp hái bầu tươi về nấu cho bà bát canh. Nha Xoa chọn hai quả bầu to, tròn nhất, khoét miệng để đựng nước. Nhưng lạ thay, ruột bầu chứa toàn gạo trắng. Hạt gạo to như con ong, thơm phức. Nha Xoa mừng quá trút gạo trong bầu ra. Trút đây khăn, đầy áo, gạo tràn ra đất hàng đống mà gạo trong bầu vẫn đầy nguyên. Nha Xoa liền gánh luôn quả bầu về nhà, gọi bà:
– Bà ơi! Nhà ta có gạo rồi!
Bà Nha Xoa vốn thật thà ngay thẳng, tuy đói rách nhưng chẳng hề tơ màng của ai. Thấy cháu về muộn, lại nói là có gạo, bà cụ nghĩ cháu ăn cắp của hàng xóm, bèn mắng:
– Mày đi ăn cắp của người ta đấy à?
– Của nhà ta, thôi bà nhóm lửa lên, cháu thổi cơm bà ăn.
– Thà đói chứ bà không ăn của ăn cắp đâu!
Nha Xoa vừa kể chuyện cho bà nghe, vừa cầm quả bầu dốc ngược lên: gạo trong quả bầu tiên chảy đầy nhà, tràn cả ra sân. Bấy giờ bà mới chịu đi thổi cơm. Ăn được bát cơm gạo tiên, bà khỏe hẳn ra. Bà giục Nha Xoa dẫn bà đi lên núi xem rẫy bầu. Hai bà cháu vui vẻ trèo núi mất một ngày thì đến nơi. Bà hái một quả khoét thử. Ruột bầu toàn nếp thơm.
Bà bảo Nha Xoa:
– Ta chỉ xin trời một quả này nữa thôi cháu ạ! Vừa có tẻ, vừa có nếp là no đủ lắm rồi. Để rẫy bầu này lại. Trời còn giúp những ai nghèo khổ như bà cháu ta .
Bà già cúi đầu vái bốn hướng để cảm tạ trời phật. Bổng nhiên quả núi nứt làm đôi, tất cả những quả bầu còn lại đều chui tuột và lòng núi. Hai bà cháu Nha Xoa cũng hoa cả mắt, khi tỉnh lại thấy mình đã đứng dưới chân núi với quả bầu to. Và dãy núi lại cao hơn trước gấp nghìn lần.
Truyện quả bầu tiên – Theo truyện dân gian Chăm