Tại sao nước biển lại mặn là câu chuyện giải thích vì sao nước biển mặn, đồng thời phê phán những kẻ tham lam, keo kiệt ngay cả với người thân của mình.
Ngày xửa ngày xưa, từ rất lâu rồi, ở một làng nọ, có hai anh em ruột. Hai người tuy cùng cha mẹ nhưng tình nết khác biệt nhau hoàn toàn. Cuộc sống cũng khác biệt nhau một trời một vực. Người anh giàu có, sống trong một ngôi nhà lớn, với đầy đủ của chìm, của nổi, tha hồ ăn chơi phè phỡn. Người em thì nghèo khó, cùng vợ con sống trong một túp lều nhỏ. Tuy nghèo nhưng em được mọi người quý mến vì tính hay thương người, còn người anh thì chẳng mấy ai ưa vì tính keo kiệt, tham lam và ích kỷ.
Có lần, đúng vào ngày lễ hội, gia đình người em chẳng còn gì để ăn, đến một cái bánh mốc hay bát cháo loãng cũng không có. Thương vợ, thương con, người em bấm bụng đánh liều đến cầu xin người anh giàu có giúp đỡ. Vừa thấy bóng người em xuất hiện ở cửa, người anh keo kiệt bủn xỉn cất giọng thô lỗ hỏi:
– Chú đến xin gì vậy?
Người em nói bằng giọng van lơn:
– Anh hãy thương lấy các cháu. Xin anh cho chúng một ít gì để ăn, vì hôm nay là ngày lễ lớn.
Người anh ném cho em một cái bánh mốc meo:
– Chú cầm lấy và đi đi! Đừng có bao giờ đến đây xin xỏ nữa nhé.
Mặc dù bị xỉ nhục nhưng người em vẫn không quên cảm ơn anh mình. Trên đường về nhà, bỗng người em gặp một cụ già phúc hậu. Cụ già bảo anh:
– Ta biết con rất nghèo nên muốn giúp con. Ta biết con rất cần chiếc bánh này nhưng con hãy làm theo lời ta. Con hãy đi vào rừng, góc rừng phía Tây ấy. Ở đó có một cây cổ thụ rất to, là nơi trú ngụ của quỷ. Trong hốc cây, có một cái nồi bằng đá. Khi nhìn thấy chiếc bánh của con, bọn quỷ sẽ thèm và lấy vàng bạc gạ đổi. Nhưng con hãy nhớ, chỉ đổi chiếc bánh cho quỷ để lấy chiếc nồi bằng đá. Đó là chiếc nồi thần, nó không những cho con cuộc sống đầy đủ mà còn có thể giúp đỡ những người nghèo khổ khác nữa.