Ngày xửa ngày xưa, có hai anh em sinh đôi nhà kia giống nhau như hai giọt nước, đến nỗi người ngoài không ai có thể phân biệt được. Vì bố mẹ chẳng may mất sớm, cho nên từ nhỏ họ đã phải nương tựa vào nhau để sống, chính vì thế tình cảm anh em lại càng trở nên keo sơn gắn bó với nhau.
Sự tích trầu cau
Một ngày kia, hai anh em cùng đến xin học và làm thuê tại nhà của một thầy đồ có tiếng đức độ trong vùng. Thấy hai anh em hiền lành, ngoan ngoãn, nên thầy đồ nhận lời thu nhận, cho ăn học như con cái trong nhà.
Thầy đồ có một cô con gái tuổi chừng mười sáu mười bảy, nhan sắc tươi tắn, con gái trong vùng không người nào sánh kịp, cả hai anh em đều ngầm để ý đến.
Cô gái cũng cảm thấy quý mến hai anh em, nhưng muốn chọn người anh làm ý chung nhân.
Vì hai anh em giống nhau quá, nàng không thể phân biệt nổi đâu là anh, đâu là em nên nghĩ ra một cách để thử. Một hôm, khi hai anh em đi làm đồng về, người con gái bưng ra một bát cháo và một đôi đũa. Đứng núp sau tấm rèm, thấy người anh nhường người em ăn trước, nàng mới mới biết đâu là người anh.
Từ đó, nàng tìm cách gặp gỡ riêng người anh. Tình yêu giữa họ bắt đầu đâm chồi, nảy lộc.
Biết chuyện, cha mẹ nàng vui mừng vì con gái tìm được người như ý, gả nàng cho người anh, lại tặng riêng một căn nhà cho đôi vợ chồng trẻ. Người em cũng sống cùng anh chị.
Từ khi người anh có vợ thì thương yêu giữa hai anh em không được thắm thiết nữa. Người em rất là buồn, nhưng người anh vô tình không để ý đến.
Một hôm hai anh em cùng lên nương. Xong việc, người em về nhà trước. Khi người em về tới sân, người vợ từ trong bếp thoáng nhìn tưởng là chồng, vui mừng chạy ra ôm chầm lấy. Người em liền kêu lên để chị dâu buông mình ra. Đúng lúc đó, người anh bước vào ngõ nhìn thấy. Tuy không ai nói ra câu nào, nhưng cả người vợ và người em đều rất xấu hổ.
Từ đấy người anh nghi em có tình ý với vợ mình, càng hững hờ với em hơn trước. Dù ba người vẫn sống trong một nhà, nhưng người anh thậm chí chẳng buồn nói với em lấy một lời.
Người em vừa hổ thẹn vì chuyện chị dâu nhận lầm, vừa buồn rầu vì anh không còn thương yêu mình nữa. Cảm thấy cô quạnh, tủi thân, chàng vùng đứng dậy, bỏ nhà ra đi.
Chàng đi mãi, đi mãi, cho tới khi trời tối, gặp một dòng sông lớn mênh mông, không thể vượt qua được đành ngồi nghỉ lại bên bờ. Đêm mỗi lúc một khuya, sương xuống mỗi lúc một nhiều. Chẳng biết phải đi đâu, buồn quá, chàng ngồi xệp xuống khóc thổn thức.
Chàng khóc ròng rã mấy ngày đêm, rồi chết bên bờ sông, biến thành một tảng đá lớn.
Sau khi người em bỏ đi mãi không thấy trở lại, người anh không lúc nào không tự trách mình. Chàng nuối tiếc những ngày anh em còn hòa thuận, và xấu hổ vì đã cư xử tệ bạc với em. Chàng bèn để vợ ở nhà, khăn gói đi tìm em.
Cuối cùng cũng tới bờ sông kia. Mệt quá, chàng ngồi xuống tựa mình vào một tảng đá. Nhưng chàng có ngờ đâu chính tảng đá là em mình. Chàng rầu rĩ khóc than cả đêm, khóc tới khi kiệt sức mà chết. Sau khi chết, chàng biến thành một cây cao, thân đứng thẳng tắp ngay bên cạnh tảng đá.
Người vợ đợi mãi không thấy chồng về thì vừa lo lắng cho chồng, vừa tự trách bản thân đã gây nên chuyện anh em chia cắt. Thế rồi, nàng lên đường đi tìm. Nàng đi mãi, rốt cuộc cũng tìm tới được dòng sông nọ. Nàng đứng đó, tuyệt vọng nhìn con sông lớn, biết mình chỉ có thể đi tới đây là cùng đường.
Nàng đành ngồi dựa vào gốc cây, gối đầu lên tảng đá. Vừa cô đơn, sợ hãi, vừa không ngớt tự dằn vặt, nỗi niềm chồng chất giữa chốn hoang vu, chỉ còn biết khóc sụt sùi. Nàng khóc tới lúc chết, hóa thân thành một cây dây leo xanh biếc, lá có hình trái tim, quấn quanh cái cay cao thẳng tắp kia.
Người dân trong vùng bèn lập miếu thờ, gọi cái cây mọc thẳng kia là cây cau, và cây dây leo kia là cây trầu.
Một hôm, vua Hùng đi qua chỗ ấy, nhân dân đem chuyện ba người kể lại cho vua nghe và đến xem. Vua bảo thử lấy lá của dây leo cùng quả của cây cao để ăn thử thì thấy có vị cay, thơm… lại sai nung đá ra lấy bột để ăn cùng thì thấy trong người phấn chấn, mặt mũi hồng hào, môi đỏ tươi, nhổ ra nước thấy thắm đỏ như máu. Vua biết là vật quý, bèn cho lấy về để gây giống.
Tình duyên của ba người tuy đã chết mà vẫn keo sơn, thắm thiết, cho nên trong mọi sự gặp gỡ của người Việt Nam, miếng trầu bao giờ cũng là đầu câu chuyện, để bắt đầu mối lương duyên, và khi có lễ nhỏ, lễ lớn, cưới xin, hội hè.
Tục ăn trầu của người Việt cũng bắt đầu từ đó.