Ngày xưa, có một nhà làm ruộng hiếm hoi, chỉ sinh được một gái thì lại là…Cóc. Hai vợ chồng rất lấy làm bồn tủi, nhưng biết sao: trót đẻ phải nuôi, chẳng lẽ đem con vứt ra đầu đường xó bụi.
Một hôm, bắt đầu mùa gặt, người vợ nhân đi thăm ruộng về bèn lên tiếng phàn nàn ngay từ ngoài ngõ:
– Không biết đứa chết tiệt nào cứ rứt bừa cả lúa ra! Ruộng nhà mình sát ngay đường cái, mình lại neo người, nghĩ tức quá!
Cóc nghe thấy lời mẹ than, bèn thưa rằng:
– Cha mẹ để con đi canh lúa cho!
– Con là Cóc, dù thấy người ta rứt lúa đi nữa thì con làm gì được?
– Con thấy ai rứt lúa, con cứ ở trong ruộng kêu lên là tự khắc người ta phải thôi.
Cóc phân trần kể có lý, vả lại hai vợ chồng bác nông phu cũng không còn biết tính cách nào khác được, nên phải nhận lời.
Trong số những người hay qua lại bên ruộng nhà mình, Cóc để ý đến một anh học trò tẩn mẩn nọ. Thấy anh ta nghịch ngợm, Cóc không mắng, mà chỉ hát rằng:
– Anh chàng ơi! Hỡi anh chàng
Sao anh rứt hại lùa vàng nhà em!
Giọng nói ngân nga hay quá! Anh học trò lắng nghe và nghĩ đến một gương mặt đẹp như tiên nữ. Thế rồi, hôm sau và hôm sau nữa, anh học trò càng rứt nhiều lúa hơn, không phải để chỉ cắn chắt, mà chỉ cốt được nghe giọng hát tuyệt vời ấy.
Cóc hiểu ý anh học trò trẻ tuổi nên đánh bạo:
– Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân đứng lại em than vài lời:
Buồng xuân lần lữa hôm mai,
Đầu xanh mấy độ da mồi tóc sương!
Anh học trò nhìn quanh, thấy vắng liền cũng hát:
– Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
Cóc trả lời:
– Mận hỏi thì đào xin thưa
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.
– À, nếu thế, ta vào vậy! – Anh học trò vừa nghĩ vừa lần xuống ruộng, nhưng người đâu chẳng thấy, anh ta chỉ vẳng nghe tiếng nói rất gần:
– Em thấy chàng là hiền sĩ. Em muốn kết duyên cùng chàng, chẳng hay chàng có bằng lòng không?
Thực là một sự kỳ dị khiến anh học trò ngơ ngẩn.
– Kìa sao chàng bỡ ngỡ thế. Em đây, em đứng trước mắt chàng đây thôi!
Trước mặt anh học trò, chỉ có một con Cóc. Tuy vậy, anh học trò ta cũng không hoảng hốt quá đáng, vì thủa bấy giờ, Tiên Phật xuống thử người trần như thế là thường. Anh ta chỉ ngán ngẩm đáp:
– Nàng là Cóc, tôi lấy nàng sao được!
Cóc vội cam đoan:
– Em tuy là Cóc, nhưng về đường tề gia nội trợ, em có thể giúp chàng nhiều lắm, chàng đừng lo.
Anh học trò bụng bảo dạ: Không lẽ Cóc mà biết nói! Hay là ta cứ thử về kể với mẹ xem sao.
Về đến nhà, chàng học trò thuật rõ đầu đuôi việc xảy ra cho mẹ nghe. Bà lão thấy kì lạ vô cùng, cũng nghĩ ngay đến chuyện Tiên lấy chồng, Phật đi thử. Và vì con trai quả quyết chỉ muốn được kết duyên cùng nàng Cóc, nên bà đành gật đầu chấp nhận.
Vợ chồng người làm ruộng bắt ngay lấy cơ hội để thở than và trách móc số phận:
– Ấy, bà có lòng thương hỏi đến làm chúng tôi thêm xấu hổ: Ai lại vợ chồng hiếm hoi, cầu khấn mãi mới được mình cháu thì, đấy bà xem: người chẳng ra người, vật chẳng ra vật!
Cóc ngồi trong buồng kín, nghe thấy cha mẹ than thế, liền thưa vọng ra rằng:
– Người ta đã có lòng đến hỏi, mẹ cha cứ nhận thời đừng ngại. Con sẽ không làm cha mẹ phải phiền lòng về chuyện này đâu ạ!
Nghe thấy ý định quả quyết và giọng nói sang sảng như tiếng chuông vàng khiến bà mẹ anh học trò càng tin chắc ở một sự phi thường. Và khi bà đứng dậy ra về, hôn lễ của nàng Cóc và anh học trò đã ấn định.
Ngày cưới, hai họ đưa đón tưng bừng. Hàng xóm nghe chuyện lạ, kéo nhau đến xem, đông không khác gì đi xem hội.
Nàng Cóc điềm nhiên, nhảy theo dám rước dâu. Khi về tới nhà chồng, nàng chui ngay vào buồng kín.
Từ đấy, cứ hễ mẹ chồng đi chợ buôn bán, chồng nghiên bút đến trường, Cóc lại trút lốt ra, thu xếp quét dọn cửa nhà, làm cơm dẻo canh ngọt để sẵn sàng đấy. Bà lão và con trai ngày nào cũng ăn uống thơm ngon, thêm thấy cửa nhà ngăn nắp sạch sẽ, lấy làm thoả mãn không biết chừng nào.
Anh học trò chỉ còn phải khổ sở mỗi khi thò mặt đến trường: việc anh lấy vợ Cóc đã thành một cớ để các bạn đồng môn nhạo báng. Họ mỉa mai, họ khinh miệt anh ta, bảo anh làm như đàn bà trong thiên hạ không còn ai nữa! Một hôm, họ lập tâm ác nghiệt đến bàn nhau xin với thầy đồ rằng:
– Nhân ngày sinh nhật của thầy, anh em chúng con muốn đặt ra một cuộc thi cỗ. Thầy sẽ chấm nhất vào cỗ nào thầy cho là khéo nhất.
Thầy đồ ưng thuận. Anh học trò trở về nhà buồn bã, lo đến nỗi quên cả ăn, bỏ cả học, chỉ biết nằm mà thở dài.
Cóc gạn hỏi chồng:
– Có việc gì mà khiến chàng ra vẻ băn khoăn thế? Chàng cứ yên tâm ăn uống và đọc sách đi. Cho dù là việc gì đi nữa thì cũng đừng ngại, sẽ có em lo liệu chu toàn hết cả.
Cóc gặng hỏi đến hai ba bận, anh chồng mới ngại ngùng nói thật.
– Từ khi tôi lấy nàng, tôi bị chúng bạn chê bai tệ quá! Bây giờ họ lại xin với thầy đồ cho thi cỗ, chừng để mang tôi ra làm một trò cười ác nghiệt…
– Ồ, tưởng gì! Nếu họ muốn thi cỗ thì rồi họ sẽ được xem cỗ thiếp nấu! Thôi, chàng dậy xơi cơm đi, rồi cứ đến trường học như thường. Lúc nào họ mang cỗ lại đủ thì chàng về mà lấy.
Tuy chưa dám tin hẳn vào lời của vợ, anh học trò cũng không biết làm cách nào hơn là cứ ôm nghiên bút đến trường.
Ngày hôm sau, mấy chục mâm cỗ nghênh ngang vào cổng nhà ông đồ. Mâm của anh học trò lấy vợ Cóc bị chúng bạn anh lừa đặt xuống cuối cùng. Nhưng, lúc nếm đến những món thơm ngon và lạ miệng bày trong mâm này, thầy đồ khen tấm tắc mãi, rồi phê cho được nhất.
Đang tự đắc và nhơn nhơn thu xếp một trận cười, lũ học trò người nào người nấy mặt mũi tưng hửng như mèo bị cắt tai vậy. Chúng thẹn quá hoá tức, bàn với nhau:
– Nhất định thua keo này bày keo khác, chứ lại chịu nó à?
Rồi chúng lại xin với thầy đồ cho thi may quần áo: Hễ bộ nào thầy mặc vừa vặn và đẹp nhất thì sẽ đoạt giải. Anh học trò lấy vợ Cóc lại phải một phen phải lo lắng. Cóc lại phải kiếm lời an ủi chồng:
– Chàng ơi, cơm dẻo canh ngọt chàng hãy xơi đi, còn công việc gì đã có thiếp lo liệu.
Nàng tiên Cóc chờ khi chồng đến trường học, liền hoá phép đi mua vóc nhiễu và bí mật đến đo người thầy nên lúc áo may xong đem thi, lại được thầy chấm nhất. Còn của các anh kia thì hoặc dài quá, hoặc ngắn quá, hoặc rộng quá, hoặc chật quá, đều thua cuộc. Chúng càng trở nên cay cú, vội vàng cùng nhau bàn kế:
– Lần này, ta xin phép thầy cho thi xem vợ anh nào đẹp nhất. Vợ chúng ta xấu tốt cũng là người; vợ nó là Cóc lẽ nào không chịu thua, chịu nhục!
Thật đúng là:
Bể sâu còn có kẻ dò
Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng!
Anh học trò lấy vợ Cóc nghe tin, cảm thấy tê tái trong lòng. Phải cố gắng lắm mới bước về được đến nhà. Thấy chồng nằm dài trên giường, chẳng nói chẳng rằng, Cóc lại gạn hỏi:
– Hai lần thi cũng đã được nhất, chàng sao còn ưu phiền đến thế?
Câu hỏi dịu dàng của vợ càng làm anh thổn thức. Anh kể lể:
– Đã đành hai bận trước mình đều thắng cuộc, nhưng bây giờ họ lại giở trò thi sắc đẹp của những người vợ với nhau, thì đúng là cố ý ép ta mất mặt còn gì! Muốn bắt nàng đến trường để thi… Bọn chúng thật là ác độc!
Hai mắt Nàng tiên Cóc sáng lên một cách ranh mãnh:
– Chàng đừng ngại, em không để chàng bị nhục với những người đồng môn kia đâu!
Đã hai lần được vợ giữ trọn lời hứa, anh học trò cũng hơi vững dạ.
Đến ngày thi, vợ các sĩ tử đua nhau trang điểm để phô mầu thanh lịch. Họ vui cười ầm ĩ, vì dù sao mọi người đều đã nắm chắc phần thắng Cóc một cách dễ dàng.
Trong khi ấy, anh học trò kia ngại ngùng dẫn vợ đến trường. Anh ta đi trước, chị vợ lạch bạch nhảy theo sau. Cái cảnh tượng ấy làm cho mọi người phải cười ôm bụng và anh chồng cứ phải cúi gằm mặt xuống, thân thể nóng bừng như lên cơn sốt. Có lần anh ta đã nói phẫn:
– Thế này, thà ở nhà quách! Đi lắm chỉ tổ mua cười cho thiên hạ!
Cóc cười rất giòn:
– Làm gì mà quýnh lên thế! Hãy cứ cho đến nhà thầy đồ đã nào.
Tới cổng trường, Cóc thấy chồng rụt rè không dám bước, liền giục:
– Chàng vào trước đi, em vào ngay.
Anh ta ngờ vực nhưng cũng giả làm theo lời vợ. Kỳ thực anh ta nấp ở xó cổng để rình xem vợ làm ăn ra sao thì thấy Cóc nhảy vào bụi rậm. Một lát sau, từ đám lau sậy, một nàng tiên yểu điệu bước ra, làm anh chàng lóa mắt!
Giải nhất lại lần nữa về vợ chồng nhà Cóc. Và lần này, trước vẻ đẹp nảy hào quang của nàng Cóc, bọn đồng môn thành thực và vui vẻ chịu thua. Để tỏ ra không còn chút thù oán, ganh tị gì nữa, chúng đồng thanh bầu anh chồng chị Cóc làm trưởng tràng.
Truyện cổ tích Nàng tiên Cóc
– TheGioiCoTich.Vn –