1. Con rắn vô ơn
Xưa có một người nuôi một con rắn, từ lúc nó còn nhỏ cho đến lúc lớn.
Ngày ngày, người ấy thường đi kiếm các giống như nhái, ngóe về cho rắn ăn.
Phải một hôm, người ấy không kiếm được cái gì. Rắn lấy làm giận, bảo rằng:
– Không có gì cho tôi ăn thì tôi phải cắn chết.
Người kia tức bảo:
– Ừ, muốn cắn chết thì cắn. Nhưng phải đi hỏi vài nơi xem có nên cắn, thì ta cũng cho cắn, không muộn.
Con rắng bằng lòng, đi với người.
Trước tiên, hai bên đi đến hỏi con hạc [1] thì hạc bảo rắn rằng:
– Nhờ ai nuôi cho ngươi lớn mà nay ngươi lại muốn cắn người ta? Còn đạo nghĩa [2] gì nữa không!
Sau, hai bên đi đến hỏi con rùa, thì rùa bảo người kia rằng:
– Nuôi nó mà không cho nó ăn, thì nó cắn chết cũng không oan.
Sau cùng, đi hỏi con quạ, thì con quạ tức giận con rắn, chẳng thèm nói gì, liền mổ luôn mấy cái, con rắn chết tươi.
Truyện Người nuôi rắn và con rắn
2. Sự tích các biểu tượng trên chùa
Rắn chết, đem đầu đuôi việc mình lên kiện với Phật. Phật xử rằng:
– Hạc nói có nghĩa, thì cho đứng trên cao. Rùa nói vô lí, thì cho bò ở dưới thấp. Còn con rắn đã nhờ người, lại bội ơn người, thì cho quạ được phép tha xác nó lên đầu ngọn tre cao để nêu gương cho thiên hạ biết.
Bởi vậy mà bây giờ hạc được ngất ngưởng đứng trên hương án [3] cao, rùa phải ép mình chẹt dưới bia đá, còn quạ thì được chót vót trên đầu cây phướn [4], dưới buông tấm vải trắng tượng con rắn trước bị quạ tha.
Theo truyện cổ nước Nam, tập II – Muông chim của Nguyễn Văn Ngọc
– TheGioiCoTich.Vn –
Kho tàng truyện cổ tích
Chú giải trong truyện Người nuôi rắn và con rắn
[1]: Hạc: loài chim lông trắng phau (bạch hạc) hoặc phơn phớt vàng (hoàng hạc), chân đỏ, hình giống con ngỗng trống nhưng cao hơn. Người ta nói chim hạc là chim sống lâu, vì các tiên hay cưỡi (hạc được coi như ngựa của thần tiên, thường dùng một cặp). [2] Đạo nghĩa: thường được dùng với nghĩa: nhân nghĩa, đạo lí (lẽ phải). [3] Hương án: bàn để thắp hương (nhang). [4] Phướn: chéo cờ, lá cờ hình đuôi chim phướn (một thứ chim dài đuôi, có nhiều sắc) thường dùng ở chùa.