Vua A-bíp có một nàng công chúa đã lớn mà chưa chịu lấy chồng.
Đã có hàng trăm chàng trai, con các gia đình quyền quý đến cầu hôn nhưng nàng đều từ chối.
Vua cha tuy không muốn ép buộc con, nhưng vẫn lo âu, phàn nàn với công chúa:
– Con không thể ở vậy suốt đời con ạ, con chẳng có anh em trai, con là con gái độc nhất của ta. Sau khi ta chết đi, thân phận con rồi sẽ ra sao? Con ương bướng thế này làm ta buồn phiền lắm.
– Thưa vua cha, con có từ chối không lấy chồng đâu. Con chỉ muốn cha tìm được một chàng rể chồng thông minh và tế nhị.
Vua cha vui mừng:
– Vậy con làm thế nào để nhận ra trí thông minh và sự tế nhị của người chồng tương lại của con?
– Như thế này ạ: Vua cha hãy mở một cuộc thi. Con sẽ kể về một câu chuyện nói khoác. Người nào bịa được một chuyện nói khoác tài hơn sẽ làm chồng con.
Đúng là một lý lẽ khôn ngoan, vì phải có một trí thông minh mới bịa được một câu chuyện hay.
Đối với nhà vua, cách chọn chồng như vậy thật là lạ đời, nhưng vua vẫn không muốn trái ý cô con gái yêu.
Lệnh truyền đi khắp các đô thị, thôn xóm, các bộ lạc xa xôi: Nhà vua sẽ gả con gái cho người nào kể được một câu chuyện nói khoác hay hơn hẳn câu chuyện của công chúa. Câu chuyện ấy như sau: “Công chúa thuê làm một cái nồi. Nồi to đến nỗi phải dùng ba trăm sáu mươi cái đinh để đóng ghép các bộ phận lại. Mỗi cái đinh phải do một người thợ rèn đóng. Người thợ rèn này không nghe thấy tiếng búa của người kia vì khoảng cách giữa những người thợ làm chiếc nồi khổng lồ kia xa lắm”.
Những chàng trai con các nhà quyền quý, sang trọng từ khắp bốn phương trời đến, lũ lượt về thủ đô dự thi. Họ đều được mời vào triều, đến trước nhà vua, có công chúa đứng bên cạnh.
Người nào cũng kể câu chuyện nói khoác của mình nhưng so với câu chuyện của công chúa thì những chuyện của họ đều ngớ ngẩn.
Tuần này tiếp tuần nọ, các chàng trai đến cầu hôn ngượng ngùng lần lượt rút lui. Vua cha vẫn làm tiệc linh đình tiễn đưa họ và ban nhiều tặng phẩm an ủi họ. Công chúa thắng lợi. Nàng kiêu hãnh thấy mình đã hơn hẳn các chàng trai kia. Hơn nữa nàng vui sướng được tiếp tục sống theo ý thích của mình mà vẫn không làm vua cha buồn giận. Trái lại nhà vua rất buồn phiền, lo lắng. Vua biết rằng mỗi một người thua cuộc sẽ là một kẻ thù địch của đất nước mình.
Thế rồi một ngày nọ, một chàng trai đến xin dự thi. Anh ta khác hẳn các chàng trai giàu có, sang trọng đến thi lần trước: Anh ta chỉ là một người nghèo khổ. Cúi chào nhà vua và công chúa xong, anh bắt đầu kể:
“Tôi trồng được một cây bắp cải có ba trăm sáu mươi lá. Mỗi lá che được ba trăm sáu mươi kỵ sĩ. Người kỵ sĩ này không trông thấy được kỵ sĩ kia, vì chỗ họ đứng rất cách xa nhau”
Công chúa hỏi:
– Thế anh định dùng cái gì để luộc cây bắp cải ấy?
– Thưa công chúa, chính dùng cái nồi của công chúa đấy ạ.
Công chúa reo lên:
– A! Câu chuyện của anh hay hơn hẳn của tôi. Tôi xin chịu tài anh.
Thế là anh chàng nghèo khó được lấy công chúa và họ sống cuộc đời rất sung sướng.
Chàng rể thông minh – Truyện cổ Ma-rốc