Ở một bản Mèo nọ, có hai vợ chồng rất hiền lành chăm chỉ. Một hôm bà vợ được tiên cho bốn viên thuốc. Bà uống và ít lâu sau sinh được một lần bốn người con trai. Chúng giống nhau như đúc, đến nỗi bố mẹ cũng nhầm.
Lớn lên, đứa thứ nhất có đôi tai kỳ lạ. Tiếng lá rơi, gió thoảng đưa cũng đủ cho nó nghe rõ. Nó được đặt tên là “Tai Thính”. Đứa thứ hai có thể hóa phép cho mình cao bao nhiêu cũng được, tên là “Người Cao”. Đứa thứ ba là “Chặt Không Đứt”, vì dao rựa chặt vào người mà không hề bị thương tích. Đứa thứ tư lội vào nước sôi cũng không hề bị bỏng. Bố mẹ đặt tên là “Nấu Không Chết”. Bốn cậu con trai lớn lên như thổi, cậu nào cũng khỏe và chăm chỉ làm việc. Các cậu gánh vác hết việc nhà và sẵn sàng giúp đỡ bà con bản làng.
Khi bốn chàng trai mười tám tuổi thì có tin nhà vua xây thêm cung điện. Vua bắt toàn bộ dân từ núi cao, rừng rậm, nương xa, bản gần phải dốc sức góp đá, góp gỗ tới kinh thành để làm cung điện. Bốn anh em “Tai Thính” ở nhà, cương quyết không đi lấy gỗ, lấy đá, không góp một ngày công nào cho vua. Ba năm trôi qua nhưng tòa nhà làm được chỗ này lại đổ chỗ kia.
Vua nghe tin về bốn anh em tài giỏi nọ, bèn gọi họ tới, phán bảo:
– Bốn anh em nhà ngươi không tuân lệnh ta, đáng tội chết. Nay hãy bảo nhau làm cho tốt, ta tha tội cho. Ta cũng sẽ trả công đầy đủ.
Anh em “Tai Thính” ra tay làm, chỉ trong một ngày, cung điện đã hoàn thành. Nhưng nhà vua không nhắc gì tới công xá của họ.
Ngồi nhà “Tai Thính” nghe vua nói với quân lính: “Thiên hạ làm suốt ba năm ròng, ta chẳng chả một đồng công nào. Chúng nó chỉ làm có một ngày, mà dám đòi hỏi à?”. Rồi vua hạ lệnh nếu ai tới đòi tiền công thì bỏ vào nồi rượu nấu lên cho chết.
“Nấu Không Chết” được cử đi đòi tiền công. Tuân theo lệnh vua, lính trói nghiến chàng lại, cho vào nồi rượu, nổi nửa đốt ba ngày liền. Lạ thay, khi mở vung thì chàng trai đứng nhỏm ngay dậy, cười khanh khách. Mọi người kinh hoàng, sửng sốt. Nhà vua phải thả cho về, vì đốt tốn củi quá.
“Nấu Không Chết” vừa về tới nhà, “Tai Thính” đã lại nghe tiếng vua dặn lính:
– Lần sau đứa nào đến, nhớ lấy dao chặt nó ra từng khúc!
“Tai Thính” liền cử “Chặt Không Đứt” đến đòi công. Quân lính trói nghiến anh lại, lấy dao định chặt chết anh. Nhưng dao bổ vào anh như bổ vào đá, lưỡi oằn, chuôi long. Bị chém liền ba ngày đêm mà thân thể không hề bị sây sát mảy may. Vua bực tức đuổi chàng trai về.
Tên vua nham hiểm lại có ý định mới. Lần này nó định dìm chết kẻ nào đến đòi công.
“Người Cao” đi đòi nợ. Anh bị ném xuống sông. Lão vua chắc mẩm phen này thì anh ta chết chìm dưới đáy sông.
Không ngờ anh vươn vai đứng lên, nước sông chỉ tới đầu gối! Anh vừa lội vừa cười: “Chỗ này nông quá!”
Bọn lính kinh hoàng xô nhau chạy. Lão vua sợ hãi thú nhận: “Bốn anh tài quá! Ta xin chịu các anh!”
“Tai Thính” cùng mấy anh em kéo đến kinh thành, hỏi lão vua:
– Bốn anh em chúng tôi có sức khỏe, có tài trí, chỉ biết giúp người, chưa hề làm hại ai. Tại sao nhà vua lại thù ghét, mưu hại chúng tôi mãi?
Lão vua cứng miệng, sợ hãi, lặng lẽ trốn mất. Dân bèn bảo tôn bốn anh em “Tai Thính” lên làm vua, chăm lo việc nước. Từ đó bản làng được yên vui hạnh phúc.
Bốn anh tài – truyện cổ dân tộc Mèo
Nguồn: Kể chuyện cho học sinh lớp 2 – Sách dành cho giáo viên (1978)