Thời xưa, một nhà quan lang họ Cao có hai người con trai hơn nhau một tuổi và giống nhau như in, đến nỗi người ngoài không phân biệt được ai là anh ai là em.
Năm hai anh em mười bảy, mười tám tuổi, bố mẹ đều chết cả.
Hai anh em vốn yêu thương nhau, nay gặp cảnh côi cút, lại càng yêu thương nhau hơn trước.
Không còn được cha dạy dỗ cho nữa, hai anh em đến xin học ông đạo sĩ họ Lưu.
Họ học hành chăm chỉ lại đứng đắn nên được thầy yêu thương như con.
Ông Lưu có một con gái tuổi chừng mười sáu, mười bảy, nhan sắc tuyệt trần, con gái trong vùng không người nào sánh kịp.
Trông thấy hai anh em họ Cao vừa đẹp vừa hiền, người con gái sinh lòng yêu mến, muốn kén người anh làm chồng, nhưng không biết người nào là anh, người nào là em.
Một hôm, nhân nhà nấu cháo, người con gái lấy một bát cháo và một đôi đũa mời hai người ăn.
Thấy người em nhường người anh ăn, người con gái mới nhận ra được ai là anh, ai là em.
Sau đó, người con gái nói với cha mẹ cho phép mình lấy người anh làm chồng.
Từ khi người anh có vợ thì sự thương yêu giữa hai anh em không còn được thắm thiết nữa.
Người em rất lấy làm buồn, nhưng người anh vô tình không để ý đến.
Một hôm hai anh em cùng lên nương, tối mịt mới về, người em vào nhà trước, chàng vừa bước chân qua ngưỡng cửa thì người chị dâu ở trong buồn chạy ra, lầm chàng là chồng, vội ôm chầm lấy.
Người em liền kêu lên, cả hai đều xấu hổ.
Giữa lúc ấy, người anh cũng bước vào nhà.
Từ đấy người anh nghi ngờ em có tình ý với vợ mình, càng hững hờ với em hơn.
Một buổi chiều, anh chị đều đi vắng cả, người em ngồi một mình nhìn ra khu rừng xa xa, cảm thấy cô quạnh, lại càng buồn tủi, vùng đứng dậy ra đi.
Chàng đi, đi mãi, đến khu rừng trước mặt, rồi theo đường mòn đi thẳng vào rừng âm u.
Trời bắt đầu tối, trăng đã lên, mà chàng vẫn cứ đi.
Đến một con suối rộng nước sâu và xanh biết, chàng không lội qua được, đành ngồi nghỉ bên bờ.
Chàng khóc thổn thức, tiếng suối reo và cứ reo, át cả tiếng khóc của chàng.
Đêm mỗi lúc một khuya, sương xuống mỗi lúc một nhiều, sương lạnh thấm dần vào da thịt chàng, chàng chết mà vẫn ngồi trơ trơ, biến thành một tảng đá.
Người anh cùng vợ về nhà, không thấy em đâu, lẳng lặng đi tìm, không nói cho vợ biết.
Theo con đường mòn vào rừng, chàng đi mãi, đi mã, và sau cũng đến con suối xanh biếc đang chảy cuồn cuộn dưới ánh trăng sáng và không thể lội qua được, đành ngồi bên bờ suối, tựa mình vào một tảng đá.
Chàng có ngờ đâu chính tảng đá là em mình!
Sương vẫn xuống đều, sương lạnh rơi lã chã từ cành lá xuống.
Chàng rầu rĩ khóc than hồi lâu, ngất đi và chết cứng, biến thành một cây không cành, mọc thẳng bên tảng đá.
Ở nhà, vợ không thấy chồng đâu, vội đi tìm và cũng theo con đường mòn đi vào rừng thẳm.
Nàng đi mãi, bước thấp bước cao, rồi cuối cùng cũng gặp con suối nước sâu và xanh biếc.
Nàng không còn đi được nữa.
Nàng ngồi tựa vào gốc cây không cành mọc bên tảng đá, vật mình than khóc.
Nàng có ngờ đâu đã ngồi tựa vào chồng mình và sát đó là em chồng.
Nàng than khóc nhưng tiếng suối to hơn cả tiếng than khóc của nàng.
Đêm đã ngả dần về sáng, sương xuống càng nhiều, mù mịt cả núi rừng, nàng vật vã khóc than.
Chưa đầy nửa đêm mà nàng đã mình gầy xác ve, thân hình dài lêu nghêu, biến thành một cây leo quấn chặt lấy cây không cành mọc bên tảng đá.
Về sau chuyện ấy đến tai mọi người, ai nấy đều thương xót.
Một hôm, nhà vua đi qua làng ấy, nhân dân đem chuyện ba người kể lại cho vua nghe và đến xem.
Vua bảo thử lấy lá cây leo và lấy quả ở một cây không cành nghiền với nhau xem sao, thì thấy mùi vị cay cay.
Nhai thử, thấy thơm ngon và nhổ nước vào tảng đá, bãi nước biến dần ra sắc đỏ.
Nhân dân gọi cái cây mọc thẳng kia là cây cau, cây dây leo kia là cây trầu, lại lấy tảng đá ở bên đem về nung cho xốp để ăn với trầu cau, cho miệng thơm, môi đỏ.
Tình duyên của ba người tuy đã chết nhưng vẫn keo sơn, thắm thiết, cho nên trong mọi sự gặp gỡ của người Việt Nam, miếng trầu bao giờ cũng là đầu câu chuyện, để bắt đầu mối lương duyên, và những khi có lễ nhỏ, lễ lớn, cưới xin, hội hè, tục ăn trầu đã trở thành tục lệ của dân tộc Việt Nam.
“Theo kho tàng truyện cổ tích Việt Nam – NXB Văn Học”