Trong các dịp tết, lễ hội, những trò chơi dân gian là điều không thể thiếu bởi phải có những trò chơi thì con người mới vui vẻ, hòa nhập và gần gũi hơn với nhau. Người lớn thì kéo co, thi vật, trẻ em thì nhảy dây, chơi chuyền...
Trò chơi dân gian không đơn thuần là những trò vui tiêu khiển mà nó chứa đựng những nét đẹp văn hóa và mang giá trị truyền thống dân tộc.
Ô ăn quan
Trong các trò chơi dân gian có lẽ đây là trò chơi nhiều trí tuệ nhất. Trẻ em Việt Nam đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh những năm 1970-1980, đứa trẻ nào cũng ít nhất một lần từng chơi qua trò chơi này.
Chỉ với một viên phấn, viên gạch hay những viên sỏi và một khoảng sân nhỏ là đủ để các bạn trẻ thỏa sức đấu trí. Bàn chơi là một hình chữ nhật được chia thành 10 ô gọi là ô dân, mỗi bên có 5 ô đối xứng. Hai phần đầu được vẽ hình bán nguyệt được gọi là ô quan.
Để dành chiến thắng thì người chơi phải nghĩ cách dành được nhiều quân hơn đối phương.
Rồng rắn lên mây
Đây là trò chơi tập thể, đòi hỏi sức lực cùng sự khéo léo của người chơi. Luật chơi tương đối đơn giản có một người đứng đầu là thầy thuốc (có nơi gọi là chủ nhà). Và một tập thể lần lượt xếp theo hàng dài, người đứng sau nắm lấy vạt áo hay ôm eo người đứng trước.
Trò chơi bắt đầu bằng việc tất cả người chơi hát vang “Rồng rắn lên mây, có cây lúc lắc...” Vừa hát vừa đi vòng vòng, sau đó dừng trước nhà thầy thuốc hỏi xem thầy thuốc chọn khúc nào? Sau khi thầy thuốc đã chọn khúc ưng ý sẽ là lúc thầy thuốc phải tìm mọi cách để bắt được người ở khúc đã chọn.
Người đứng đầu hàng có nhiệm vụ phải dang tay bảo vệ và lèo lái để thầy thuốc bắt được người đã chọn.
Bịt mắt bắt dê
Trong các trò chơi dân gian có lẽ đây là trò phổ biến nhất, không chỉ ở thành phố, nông thôn mà dường như xuất hiện trên mọi miền đất nước.
Cách chơi trò này cũng khá đơn giản, sau khi oản tù tì sẽ có một người thua cuộc, người này phải bịt mắt và đi tìm những người còn lại. Những người còn lại thì nắm tay thành một vòng tròn, người bịt mắt ở giữa sẽ đi quanh và tìm bất kỳ ai.
Khi tìm được một ai đó, người bịt mắt phải đoán xem đó là ai, nếu đoán đúng thì người bị bắt sẽ phải thay thế người bịt mắt còn nếu không thì người kia vẫn phải tiếp tục bịt mắt để đi “bắt dê.”
Nhảy lò cò
Đây là trò chơi thường hay thấy xuất hiện tại các sân trường học nhiều năm trước đây. Người chơi sẽ chọn một khoảng sân rộng rãi, kẻ một hình chữ nhật, sau đó chia hình ra thành 7-10 ô tùy theo sở thích chơi của từng người, từng nhóm và đánh số thứ tự 1, 2, 3... vào những ô ấy.
Mỗi người chơi sẽ chọn cho mình một chiếc dép hoặc một viên gạch vuông vừa tầm tay, sau đó sẽ tiến hành oẳn tù tì hay thi nhau ném dép, ném gạch để xem ai là người đi trước.
Kế đến từng người sẽ đi theo vị trí đã chọn, luật chơi là mỗi người sẽ lần lượt ném gạch, dép vào từng ô và lò cò vào những ô khách, cứ thế người nào đi hết các ô và xây được nhà đầu tiên sẽ giành chiến thắng.
Chơi đu
Từ trong Tết bên cạnh đình hay một thửa ruộng rộng rãi, khô ráo người ta chuẩn bị các cột đu. Họ chọn cây tre to, dài, để trồng đu.
Một cây đu có thể được trồng bởi 4-6 cây tre to. Cần đu cũng là những cây tre dài nhưng thon nhỏ, thường phải là tre đực để lúc người đu nắm vào cho gọn và chắc tránh xảy ra trượt hay tuột tay lúc đu nhanh, mạnh.
Tùy theo sở thích mà người ta đu một hay đu đôi. Khi một người lên cần đu có thể nhờ một người khác đẩy cho mình có đà. Sau đó là tự người đu nhún tùy ý. Đẹp nhất là đu đôi, các đôi trai gái ưng ý lựa chọn nhau lên đu, người nhún người đẩy.
Tài năng và lòng dũng cảm của các chàng trai cô gái được phô bày ở đây như dịp tự thể hiện bản thân.
Đấu vật
Đấu vật là một trò chơi thượng võ, cũng là một môn thể thao rất nổi tiếng vào các dịp Tết dịp Hội. Ở Việt Nam ngoài đấu vật ngày Tết còn có nhiều hội vật Làng Sình, Liễu Đôi, Hà Nam, Mai Động... Xưa ở vùng Bắc Ninh, Phú Thọ có những lò vật và những đô vật nổi tiếng cả một vùng.
Để khuyến khích tài năng cũng như sự rèn luyện của trai tráng, nhiều làng xã đã treo giải vật rất cao trong ba ngày tết. Tục xưa người ta trao giải bằng tiền, bằng mâm đồng, nồi đồng hay một số thứ khác. Quy định chung của cuộc đấu là người chiến thắng phải vật cho đối phương thua trắng bụng (ngã ngửa ra đất) hay nhấc bổng được đối phương lên.
Trong môn vật này không chỉ đòi hỏi sức khỏe mà sự mưu trí và nhanh nhẹn đóng góp phần đáng kể. Về kỹ thuật cũng có những "miếng" riêng của nó như đệm, bốc, ghì... mà tùy theo từng hoàn cảnh và điều kiện đô vật phải biết lợi dụng triệt để các thời cơ quật ngã hay bê bổng đối phương.
Chọi gà
Là một thú chơi tao nhã, vừa có tính tiêu khiển lại vừa khuyến khích việc chăn nuôi của nhà nông xưa. Đó là một thú chơi mà hầu hết ở các ngày Tết, ngày hội đều có.
Nhiều làng nổi tiếng vì chơi gà chọi như Đình Bảng (Bắc Ninh), Thổ Hà, Yên Phụ (Yên Phong) hay một số nơi khác ở cả ba miền Trung, Nam, Bắc đều có... Những chú gà nòi được nuôi rất công phu và đưa chúng tập luyện với các chú gà chọi khác để làm quen dần với những trận chiến đấu.
Các sới gà chọi vào dịp Tết Nguyên Đán thường thu hút đông đảo người xem.
Kéo co
Là một trò chơi thu hút được rất nhiều người cùng tham gia, vừa có tác dụng rèn luyện sức khỏe, lại vừa vui vẻ, thoải mái. Nó đã trở thành trò chơi tập thể, phong tục phổ biến ở nhiều nơi trong nước Việt Nam.
Cách chơi đơn giản, số người chơi bao nhiêu tùy ý, chia làm hai phe bằng nhau, làm mốc đánh dấu vạch vôi để bên nào kéo được đối phương sang qua vạch mốc bên kia là bên đó thắng.
Chơi cờ tướng-cờ người
Đây là thú chơi tao nhã, trí tuệ nhân những lúc trà dư tửu hậu. Các cụ thường gặp nhau bên chén trà và mở bàn cờ tướng ra giải trí.
32 quân cờ chia thành hai phe (16 quân đỏ và 16 quân đen), bày xong là cuộc đấu trí bắt đầu. Cờ người cũng là cờ tướng mà quân cờ là người thật, cũng chơi trên sân bãi, 16 nam áo đỏ, 16 nữ mặc áo đen đeo biển (tên quân cờ) trước ngực, đứng vào vị trí.
Hai tướng (Tướng Ông, Tướng Bà) mặc đẹp (như cờ tướng) có hai cờ đuôi nheo cắm chéo sau lưng, được che lọng. Gặp buổi trời nắng, thì mỗi quân cờ được một người che ô, đứng bên và đi theo mỗi lần quân chuyển. Hai đối thủ ngồi phía sau. Có người chạy cờ, lo việc chuyển quân theo ý định của người chơi.
Mỗi lần đi một nước, đấu thủ (có tiếng trống khẩu) gõ một tiếng. Người chạy cờ tới nghe lệnh và chuyển quân trên bãi. Nguyên tắc đi quân là mã nhật, tượng điền, xe liền, pháo cách.
Vào cuộc chơi phải bình tĩnh, thận trọng, chủ động không bị phân tán bởi những người xem mách nước. Đi một nước phải tính trước 2-3 nước tiếp theo để khỏi bị bất ngờ trước đối thủ của mình.
Cờ tướng, cờ người thường thấy trong các ngày hội, ngày Tết, mừng Xuân mới./.