Các ca sốt xuất huyết ngày càng nhiều
Nhận diện dịch sốt xuất huyết
Theo Bộ Y tế, sốt xuất huyết dengue hay sốt dengue tại Việt Nam thường được gọi chung là bệnh sốt xuất huyết, có biểu hiện nặng nhất của bệnh là hội chứng sốc dengue được gây ra do Dengue virus.
Dịch sốt xuất huyết đang gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Chỉ trong khoảng 7 tháng, cả nước đã ghi nhận trên 58.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Điều đáng nói là dịch bệnh gia tăng nhanh ở các thành phố lớn, nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với những người dân có trình độ hiểu biết.
Có thể nói dengue là một bệnh do virus lây truyền do muỗi thường gặp nhất ở người. Nhiễm virus dengue gây nên triệu chứng lâm sàng khác nhau tùy từng cá thể.
Bệnh có thể chỉ biểu hiện như một hội chứng nhiễm virus không đặc hiệu hoặc bệnh lý xuất huyết trầm trọng và đưa đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Do bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh nên cộng đồng không nên chủ quan khi đối diện với sốt xuất huyết.
Nguyên nhân của sự gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết thời gian qua là do mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước, dẫn đến véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh.
Đáng chú ý, tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng của muỗi truyền bệnh.
Sốt xuất huyết tấn công thành phố lớn
Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến ngày càng phức tạp và đang có chiều hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 58.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có hơn 49.000 trường hợp nhập viện và 17 trường hợp tử vong.
Đáng lo ngại là tại nhiều tỉnh, thành, số ca mắc bệnh gia tăng và dịch bệnh đang có nguy cơ lan rộng, đặc biệt là ở Hà Nội và TP.HCM.
Đừng nhầm sốt xuất huyết với sốt virus và cúm
Khi bắt đầu khởi phát, người bệnh xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của sốt xuất huyết như đau người, đau cơ, khớp, đau đầu, sốt..., đa phần mọi người thường nghĩ đến cúm hoặc sốt do virus.
Theo quy luật của bệnh sốt xuất huyết, thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt.
Sốt xuất huyết có thể bị nhầm lẫn sang sốt virus hoặc sốt thông thường
Bắt đầu từ ngày thứ 4 (tính từ khi bắt đầu sốt trở đi) là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh.
Giai đoạn này có thể có những biến chứng nặng như tăng tính thấm thành mạch và cô đặc máu; Xuất huyết do giảm tiểu cầu.
Bên cạnh đó, người bị sốt xuất huyết nặng thường kèm theo đau họng, chảy nước mũi trong, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và có thể tiêu chảy hoặc phân đen. Ở trẻ em, đau họng và đau bụng thường là những triệu chứng nổi trội.
Ngoài ra còn có biểu hiện xuất huyết: chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết dưới da chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ban xuất huyết đôi khi có biểu hiện ngứa, phụ nữ hành kinh sớm hơn chu kỳ bình thường, kỳ kinh kéo dài hơn bình thường.
Đây là những dấu hiệu đặc trưng của bệnh sốt xuất huyết để tránh nhầm lẫn với những bệnh khác dẫn đến người bệnh tự mua thuốc điều trị.
4 cấp độ của bệnh sốt xuất huyết
Theo Bộ Y tế Việt Nam, sốt xuất huyết được chia làm 4 cấp độ:
- Độ I: Triệu chứng điển hình là sốt cao 39 - 40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, nhức đầu, đau người, chân tay nhức mỏi...
- Độ II: Người bệnh sốt cao, bắt đầu xuất hiện nốt xuất huyết dưới da, niêm mạc, cánh tay, bắp chân, lưng, bụng, cổ...
- Độ III: Ngoài sốt, xuất huyết còn kèm theo dấu hiệu suy tuần hoàn, hạ huyết áp, kẹt mạch nhanh, da lạnh, người bứt rứt hoặc vật vã, sốc...
- Độ IV: Người bệnh bị sốc sâu, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được, chân tay lạnh, tình trạng vô cùng nghiêm trọng.
Chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết thế nào?
Bệnh sốt xuất huyết thường khởi phát một cách đột ngột và tiến triển qua ba giai đoạn là giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Trong thời điểm dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh như hiện nay, nếu người thân trong gia đình bắt đầu có biểu hiện sốt thì cần đưa đến các cơ sở y tế để được khám và hướng dẫn cách chăm sóc, theo dõi và điều trị đúng bệnh.
Chăm sóc cho bệnh nhân sốt xuất huyết phải đặc biệt lưu ý các biểu hiện bên ngoài
Các chuyên gia y tế cũng đã đưa ra những hướng dẫn khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết như sau:
Bệnh nhân có biểu hiện sốt cao trên 38º5C thì nên cho bệnh nhân dùng thuốc hạ sốt. Có thể cho bệnh nhân dùng paracetamol hạ sốt (tổng liều không quá 60mg/kg cân nặng trong 24 giờ).
Không dùng aspirin (acetyl salicylic acid), analgin, ibuprofen để điều trị sốt xuất huyết vì có thể gây xuất huyết, toan máu. Cứ mỗi 4 - 6 giờ cần cặp lại nhiệt độ một lần để theo dõi.
Bên cạnh đó, cần cho người bệnh nằm chỗ thoáng mát, không nên mặc quần áo chật gây cản trở cho việc hạ sốt và chườm mát cho người bệnh nhân.
Bệnh nhân sốt xuất huyết cần được uống nhiều nước vì tình trạng sốt và nôn nhiều thường dẫn đến thiếu nước và chất điện giải.
Cần khuyến khích người bệnh uống nhiều nước có chất điện giải như oresol, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh,…) hoặc nước cháo loãng với muối.
Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 (tính từ khi bắt đầu sốt trở đi), cần theo dõi sát người bệnh và phát hiện kịp thời các dấu hiệu nguy cơ bệnh diễn biến nặng như huyết áp bị tụt hoặc không đo được, lượng nước tiểu ít, xuất huyết... để đưa người bệnh nhập viện điều trị kịp thời.
Chế độ ăn của bệnh nhân sốt xuất huyết cần đảm bảo an toàn, thức ăn nấu chín kỹ, mềm, dễ tiêu và chia thành nhiều bữa nhỏ. Người bệnh cần được nghỉ ngơi, hạn chế đi lại cho đến khi hết sốt 1 – 2 ngày.
Minh họa việc làm sạch môi trường để muỗi và bọ gậy không còn chỗ sinh sôi nảy nở
Diệt muỗi và bọ gậy để phòng sốt xuất huyết hiệu quả
Sốt xuất huyết không lây qua hô hấp, hay dịch tiết ra. Sốt xuất huyết chỉ lây qua vết đốt từ muỗi. Muỗi là con vật mang bệnh từ người nay qua người khác dẫn đến sốt xuất huyết.
Theo Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết hiệu quả nhất là diệt bọ gậy, muỗi để chúng không thể truyền bệnh sang người.
Và các biện pháp phòng bệnh được khuyến cáo gồm:
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:
+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
+ Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.
+ Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.
+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.
- Phòng chống muỗi đốt:
+ Mặc quần áo dài tay.
+ Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.
+ Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...
+ Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
+ Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.