Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo liên ngành vận động đầu tư cho phòng chống và loại trừ sốt rét ở Việt Nam do Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương phối hợp cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức ngày 31/5.
Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, sau 5 năm (2011-2015), số bệnh nhân sốt rét giảm 57,8%. Tỷ lệ bệnh nhân sốt rét trên 1000 dân số chung giảm gần 60%. Số tử vong do bệnh này cũng giảm mạnh gần 80%. Trên toàn quốc không xảy ra dịch sốt rét nào từ năm 2011-2015. Tuy nhiên, sốt rét tại một số tỉnh thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ diễn biến phức tạp, đặc biệt là hai tỉnh Gia Lai, Bình Phước.
Nguyên nhân là do sự biến động lớn dân cư giữa các vùng trong nước và với các quốc gia láng giềng từ vùng không còn sốt rét vào vùng sốt rét lưu hành. Mặt khác là sự xuất hiện ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc ở 5 tỉnh (gồm: Bình Phước, Đắk Nông, Quảng Nam, Gia Lai và Khánh Hoà). Mới nhất năm 2015, tỉnh Ninh Thuận đã xuất hiện ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc. Báo động hơn, đã có địa phương xuất hiện loại ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc khiến 33% bệnh nhân điều trị bằng thuốc này thất bại (tái phát bệnh) sau hơn 1 tháng điều trị. Theo các chuyên gia nhận định, bệnh sốt rét có nguy cơ quay lại, gia tăng số mắc, tử vong và có thể gây thành dịch. Nguy cơ lan rộng ra các địa phương khác là rất cao. Bên cạnh đó, muỗi truyền bệnh sốt rét thay đổi theo tập tính đốt người, kháng hoá chất diệt muỗi ở nhiều vùng làm giảm hiệu quả của các biện pháp phòng bệnh sốt rét.
Trước thực tế trên, Việt Nam đặt ra mục tiêu là khống chế tỷ lệ người dân mắc bệnh sốt rét dưới 0,15/100.000 dân; tỷ lệ người dân chết do bệnh sốt rét dưới 0,02/100.000 dân; 15 tỉnh trong giai đoạn loại trừ bệnh sốt rét và 8 tỉnh trong giai đoạn tiền loại trừ bệnh vào năm 2020. Tổng nhu cầu kinh phí phòng chống, loại trừ sốt rét giai đoạn 2016-2020 lên tới 1.759 tỷ đồng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nguồn kinh phí đầu tư này từ chính phủ đang giảm rất mạnh.