Chơi là nhu cầu, là hoạt động độc lập, sáng tạo, tự do và tự nguyện của trẻ. Chơi là học và trẻ học qua chơi. Vui chơi ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Để tổ chức các hoạt động vui chơi mang lại hiệu quả giáo dục tích cực trong trường mầm non đòi hỏi mỗi giáo viên luôn phải đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ.
Nhưng chơi cái gì? Chơi như thế nào để mang lại hiệu quả giáo dục tích cực như mong muốn đối với
trẻ mầm non trong thời đại thông tin bùng nổ và kĩ thuật điện tử xâm nhập đến từng trẻ em? Đó là vấn đề đã và đang thách thức sự suy nghĩ của các giáo viên trong nhà trường.
Trước những băn khoăn đó. Giáo viên khối Mẫu giáo bé trường Mầm non Thạch Bàn đã không ngừng sáng tạo, đổi mới các nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục, vui chơi cho trẻ. Và phương pháp giáo dục mà các cô giáo đang hướng đến để lồng ghép vào các hoạt động gắn liền với trẻ hàng ngày và mang lại hiệu quả đó là
trò chơi dân gian sáng tạo cho trẻ. Đây chính là phương tiện giáo dục toàn diện cho trẻ. Qua đó, trẻ được phát triển tâm lý, thể lực, trí tuệ và nhân cách trong tương lai.
Tổ chức trò chơi dân gian cho trẻ mầm non đặc thù là dụng cụ có thể tự làm, vật dụng dễ kiếm, không tốn kém, chơi được ở mọi lúc, mọi nơi. Các trò chơi dân gian cho trẻ mầm non như: làm nghé ọ,
ô ăn quan,
trốn tìm,
bịt mắt bắt dê… Cho đến các trò chơi kết hợp với hát đồng dao như thả đỉa ba ba,
nu na nu nống,
dung dăng dung dẻ… Được các cô giáo thường xuyên tổ chức cho trẻ chơi trong hoạt động phù hợp trong ngày.
Trò chơi dân gian rất đa dạng, phong phú nên giáo viên đã linh hoạt, sáng tạo kết hợp được rất nhiều trò chơi dân gian vào các hoạt động hằng ngày của trẻ ở trường như hoạt động học, hoạt động góc, hoạt động ngoài trời, hoạt động chiều…
Ngoài việc tạo ra sân chơi bổ ích cho trẻ. Tổ chức trò chơi dân gian cho trẻ mầm non còn giúp các bé rèn luyện các kỹ năng trong cuộc sống, rèn luyện thể chất, tạo sự hòa đồng, thân thiện, đoàn kết… Những phút vui chơi thoải mái, lành mạnh sẽ giúp trẻ hào hứng để học tập, tiếp thu kiến thức tốt hơn.