Hiện nay, chúng ta đều đã nhận ra tầm quan trọng của những năm tháng đầu đời đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người. Trong đó giáo dục sớm có vai trò là tiền đề để hình thành một cá nhân toàn diện.
Trên thực tế có rất nhiều trường mầm non đã áp dụng các phương pháp giáo dục sớm với những mô hình ngoài giáo dục truyền thống như: mô hình giáo dục của Shichida Makoto (Nhật Bản), Glenn Doman (Mỹ), Phùng Đức Toàn (Trung Quốc)… Trong đó mô hình trường ứng dụng phương pháp tiếp cận Reggio Emilia còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Nhưng không thể vì thế mà phủ nhận những hiệu quả và ưu điểm vượt trội của Reggio Emilia đem lại cho những đứa trẻ mà không phương pháp nào có được.
Nguồn gốc của phương pháp Reggio Emilia
Phương pháp tiếp cận Reggio Emilia cho tuổi ấu thơ đã được phát triển ở Reggio Emilia, một thành phố nhỏ ở miền bắc nước Ý, nơi rất coi trọng các dịch vụ cho trẻ em và gia đình. Trường mầm non đầu tiên được thành lập năm 1945 vào cuối chiến tranh thế giới thứ hai đó là một mô hình trường học kiểu mới - nơi mà trẻ em sẽ được tôn trọng và tin tưởng.
Năm 1945 Loris Malaguzzi là một giáo viên trường tiểu học làm việc tại Reggio Emilia. Ông đã được truyền cảm hứng để nghiên cứu thêm về trẻ nhỏ dưới góc độ của một nhà tâm lý học. Cho đến khi qua đời vào năm 1994, Loris Malaguzzi đã dành cuộc đời của mình để phát triển những gì mà chúng ta gọi là phương pháp tiếp cận Reggio Emilia
Năm 1991, tạp chí Mỹ, Newsweek đã công nhận trường mầm non Diana là một trong mười trường học tốt nhất trên thế giới. Điều này dẫn đến rất nhiều sự quan tâm đến phương pháp tiếp cận Reggio Emilia trên khắp thế giới. Năm 1994, tổ chức Trẻ em Reggio được thành lập để quản lý sự ảnh hưởng này và tổ chức các khóa tham quan học tập quốc tế.
Triết lý giáo dục Reggio Emilia
Một biểu ngữ đặc trưng về triết lý giáo dục của mô hình Reggio Emilia được đặt ra là “Một đứa trẻ có hàng trăm ngôn ngữ”. Với niềm tin mạnh mẽ vào khả năng của đứa trẻ và trẻ em rất tò mò, mô hình giáo dục Reggio Emilia giúp trẻ phát triển tất cả các mặt khi thể hiện “trăm ngôn ngữ” của bản thân. Bên cạnh đó, còn có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà giáo dục và phụ huynh. Triết lý của Reggio Emilia được xây dựng trên sự tôn trọng, trách nhiệm và cộng đồng, trẻ học hỏi thông qua tương tác với người khác trong một môi trường học tập thân thiện, môi trường tự nhiên được kết hợp càng nhiều càng tốt đối với trẻ.
Tại Reggio Emilia trẻ em được giáo dục cái toàn thể của con người, tức là giáo dục cả cái nội tâm bên trong và hành vi ứng xử xã hội bên ngoài của trẻ chứ không chỉ là huấn luyện cái não càng nhiều kiến thức càng tốt, huấn luyện cho não càng siêu càng tốt. Nói chung, đứa trẻ khỏe mạnh là đứa trẻ có ước mơ, hoài bão và mong muốn cống hiến cho xã hội. Cũng như hiểu được thế giới đang như thế nào, mình sẽ làm gì… Điều đó đòi hỏi một quá trình, chứ không phải chỉ trong những năm đầu đời. Cuối cùng, giáo dục phải hướng đến sự tự do thể hiện bản thân, tự do thể hiện mình là ai, trong cái đẹp nhất của chính mình. Tự do phát huy nội tại tốt đẹp của mình mà không bị áp đặt, ràng buộc và chà đạp.
Những đặc trưng chính của phương pháp Reggio Emilia
Hình ảnh đứa trẻ Reggio Emilia
Hình ảnh mạnh mẽ của đứa trẻ là trọng tâm của Reggio. Các nhà giáo dục không nhìn thấy trẻ em như là những chiếc tàu trống rỗng và đòi hỏi sự thật. Thay vào đó họ nhìn thấy một đứa trẻ đầy tiềm năng, như nhân vật chính, một nhà xây dựng tích cực về kiến thức của chính mình.
5 mối quan hệ mà Reggio Emilia kiến tạo:
- Quan hệ với bản thân: hiểu mình, yêu mình đúng cách;
- Quan hệ với mọi người: tôn trọng và thấu hiểu - yêu thương;
- Quan hệ với tự nhiên: Biết ơn, nâng niu, bảo vệ, trân trọng và xây dựng;
- Quan hệ với sự vật xung quanh: tìm hiểu và nghiên cứu, xây dựng;
- Quan hệ với chính ý tưởng của mình: sáng tạo, vượt qua thử thách và luôn hướng tới đều tốt đẹp trách nhiệm, nhận thức và chân thật.
Vai trò của người giáo viên
Vai trò của nhà giáo Reggio được coi như là một nhà nghiên cứu và sáng tạo chương trình, dựa trên việc đồng sáng tạo và học tập, khám phá trẻ và cùng làm việc với đồng nghiệp. GV phải nghiên cứu, phản ánh và lắng nghe đứa trẻ cùng với các đồng nghiệp, để cùng phát triển cho trẻ cho bản thân và phát triển chuyên môn nhóm.
Để biết cách lên kế hoạch hoặc tiếp tục đẩy tiếp việc học tập của trẻ, giáo viên phải quan sát và lắng nghe trẻ một cách cẩn thận và chú tâm. Giáo viên tiếp đó sử dụng các kinh nghiệm thông qua việc lắng nghe và thấu hiểu trẻ, bắt đầu đặt câu hỏi và khám phá ý tưởng của các em, khai thác tất cả các khía cạnh từ giả thuyết đến lý thuyết. Sau đó các cô sẽ thảo luận với nhau những gì họ đã nghe và quan sát để lập ra những kế hoạch linh hoạt và có sự chuẩn bị cho bước tiếp theo.
Vai trò của môi trường
Môi trường vật lý có vai trò rất quan trọng trong giáo dục trẻ thơ và thường được gọi như là “người thầy thứ 3”. Một trong những mục tiêu của việc thiết kế không gian là để ngôi trường là một phần của cộng đồng.
Hầu hết các trường học Reggio Emilia lý tưởng đều có một “xưởng nghệ thuật” nơi đó đầy ắp các vật liệu như: đất sét, màu vẽ, dụng cụ viết và thiết kế. Trẻ em sử dụng các vật liệu trong “xưởng nghệ thuật” để thể hiện những suy nghĩ và hiểu biết của trẻ về những gì trẻ suy nghĩ hay đã học được trong các dự án.
Các phòng học luôn tràn ngập ánh sáng tự nhiên và có một không gian chung ở chính giữa cho tất cả các học sinh. Nhà bếp cũng được mở để trẻ có thể tự do quan sát.
Sự hỗ trợ của cộng đồng, tham gia của cha mẹ với vai trò đối tác.
Trong mô hình giáo dục Reggio Emilia việc giáo dục trẻ mầm non chính là trách nhiệm của cả cộng đồng địa phương. Cha mẹ chính là những đối tác, cộng tác viên và là những người ủng hộ cho con cái họ. Nhà giáo dục luôn tôn trọng cha mẹ như là những người thầy đầu tiên của trẻ và cùng giáo viên đóng góp trong mọi khía cạnh giáo dục cho trẻ. Vì vậy, chúng ta thấy không phải chuyện lạ khi cha mẹ làm tình nguyện viên trong một lớp học Reggio.
Tầm quan trọng của thời gian
Khám phá và xây dựng các hoạt động không phải là có thể “làm một lần”, tốt nhất là chúng ta để trẻ làm từ từ và giữ lại sản phẩm của trẻ để trẻ biết và tiếp tục công việc của mình trong những ngày tiếp theo cho đến khi hoàn thành sản phẩm của mình.
Trẻ em phải có đủ thời gian và sự hướng dẫn để sử dụng cùng một số vật liệu và lặp đi lặp lại cho tới khi trẻ hoàn toàn thỏa mãn với sản phẩm của mình. Trẻ em có khả năng cảm nhận về thời gian và có được nhịp điệu tự thân của trẻ trong việc tự lên kế hoạch, hoạt động lẫn khám phá của chính mình. Giáo viên Reggio Emilia phải hiểu khả năng điều chỉnh thời gian của từng bé tùy từng tính cách khác nhau của bé.
Hồ sơ tài liệu lưu trữ
Đây chính là nét đặc trưng của mô hình giáo dục Reggio Emilia. Tài liệu chính là trung tâm vì tài liệu cung cấp thông tin cần thiết cho những người quan tâm, tìm hiểu về mô hình giáo dục này. Nó cũng cung cấp cho trẻ cơ hội để trẻ có thể nhìn lại kinh nghiệm của chính trẻ.
Tài liệu có nhiều hình thức để lưu trữ như hình ảnh, bảng điểm, băng ghi âm, phim, ghi chú từ các công việc thực tế của trẻ. Những hình ảnh, ghi âm, phim hay những sản phẩm của trẻ đã thể hiện kinh nghiệm của trẻ thông qua truyền thông thị giác được triển lãm như một sự đánh dấu các hoạt động học tập và đó cũng là động lực thúc đẩy cho việc học tập của trẻ sau này. Việc ghi chép và trưng bày sản phẩm giúp trẻ tái dựng lại được cảm xúc, ý tưởng và hiểu về bản thân trẻ.
Mục đích của hồ sơ tài liệu lưu trữ
- Hồ sơ tài liệu sẽ góp phần vào việc xây dựng bài học của trẻ sâu và rộng hơn cung cấp những thông tin về quá trình học tập của trẻ mà những bài kiểm tra hay phiếu ghi nhận kết quả không làm được. Giúp cho trẻ ý thức được những nỗ lực của mình luôn được đánh giá cao.
- Giúp bố mẹ tìm hiểu chính xác hơn các hoạt động của trẻ ở trường. Bố mẹ sẽ có khả năng nhận thức được những kinh nghiệm của con mình đến đâu và cùng nhà trường xây dựng sự phát triển cho trẻ.
- Đây là một yếu tố quan trọng trong việc giáo viên nghiên cứu để hiểu hơn về trẻ, cũng như đánh giá hoạt động của giáo viên. Nhờ vậy mà giáo viên sẽ phát triển hơn về khả năng chuyên môn của mình.
- Hồ sơ tài liệu tạo ra lịch sử lưu trữ thành công của nhà trường và lưu trữ lại “món quà” học tập của rất nhiều trẻ em và giáo viên, tạo cảm hứng cho những thế hệ đi tiếp.