Tuy mùa nắng nóng năm 2017 mới bắt đầu nhưng cả nước đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn đuối nước thương tâm. Nạn nhân hầu hết là những em học sinh, tuổi đời rất trẻ, còn cả tương lai phía trước.
Ở Hải Phòng, vụ tai nạn mới nhất xảy ra vào ngày 4-5, tại khu vực sông Lạch Tray, gần công trường thi công cầu Niệm 2, phường Đồng Hòa, quận Kiến An, khiến 2 học sinh lớp 8 Trường THCS Đồng Hòa thiệt mạng. Trước đó, dư luận không khỏi bàng hoàng, xót xa khi chỉ trong vòng 2 ngày (15 và 16-4-2016) trên địa bàn Quảng Ngãi liên tiếp xảy ra 3 vụ đuối nước, cướp đi mạng sống của 9 học sinh lớp 6, 2 em nhỏ dưới 5 tuổi và 1 học sinh lớp 12…
Có thể nói, tai nạn đuối nước ở trẻ em đã và đang thực sự trở thành một “vấn nạn” gây lo lắng trong cộng đồng. Nó ảnh hưởng đến tâm lý của mỗi gia đình và nghiêm trọng hơn là đe dọa đến cuộc sống và sự phát triển toàn diện của trẻ em. Theo thống kê của Cục bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội), tỷ lệ chết đuối ở trẻ em Việt Nam cao gấp 8-10 lần so với các nước phát triển. Theo đó, mỗi năm có từ 3.000 - 4.000 trẻ em và vị thành niên bị thiệt mạng. Đây thực sự là một con số “khủng khiếp” khiến bất kỳ ai cũng phải giật mình.
Theo Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Hướng dẫn về CNCH (Cảnh sát PCCC thành phố): Nhiều bậc phụ huynh vẫn lơ là, chủ quan, chưa giám sát chặt chẽ con, để trẻ tự do đi lại dẫn đến hậu quả khôn lường.
Mặt khác, việc giáo dục kỹ năng mềm cho học sinh tại các trường học chưa được chú trọng, vẫn mang tính tự phát. Hiện, chương trình học tập trong nhà trường hầu hết chưa triển khai rộng rãi môn bơi cho trẻ nhỏ, nhất là lứa tuổi tiểu học. Trẻ chỉ có thể học từ người thân hoặc học tại các bể bơi nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện.
Chính vì thiếu kỹ năng bơi và phòng vệ căn bản nên khi gặp trường hợp bất ngờ, nguy hiểm, trẻ thường lúng túng, không biết xử lý dẫn đến tử vong. Thực tế, không thiếu trường hợp học sinh rủ nhau đi bơi, khi có bạn gặp sự cố thì các em tự cứu lẫn nhau. Do thiếu kiến thức xử lý những tình huống khẩn cấp nên mặc dù biết bơi, các em vẫn bị chết đuối tập thể.
Năm 2016, chính phủ và các bộ, ngành ban hành nhiều công văn, chỉ thị về việc tăng cường những giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích đuối nước cho trẻ em, học sinh, sinh viên và tăng cường giáo dục, tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, giúp trẻ phòng tránh tai nạn đuối nước. Tuy nhiên, để hạn chế đến mức thấp nhất những trường hợp tử vong do đuối nước, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các đơn vị có liên quan.
Đại diện Sở GD&ĐT thành phố cho biết: Nhà trường cần trang bị cơ sở vật chất phục vụ bơi lội để đưa môn thể thao này vào chương trình học kỹ năng căn bản cho trẻ, coi bơi lội là một chương trình bắt buộc trong môn học thể dục.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao kiến thức, nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước ở trẻ em; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quản lý cứu nạn cứu hộ trên biển, trên sông và những bãi tắm công cộng nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn phòng chống đuối nước tại cộng đồng.
Cuối cùng, trách nhiệm cụ thể và sát sườn nhất vẫn là của bậc phụ huynh. Trong bất luận trường hợp nào, chúng ta không để các em tự do bơi lội mà không có người lớn đi cùng; đồng thời phải phối hợp chặt với nhà trường quản lý chặt chẽ con, không để xảy ra tình trạng trốn học hoặc giờ nghỉ đi tắm biển, sông và ở các ao hồ…
Tai nạn đuối nước ở trẻ em luôn để lại hậu quả nghiêm trọng cho gia đình, xã hội. Vì thế, phòng, chống đuối nước cho trẻ em không là trách nhiệm của riêng ai.