Vitamin D từ lâu được biết là giúp xương chắc khỏe. Tuy nhiên, bổ sung quá nhiều vitamin D bằng thực phẩm bổ sung có thể gây hại cho cơ thể..
Việc tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời có thể có hại cho sức khỏe, hơn nữa rất ít thực phẩm có chứa vitamin D một cách tự nhiên nên nhiều người đã chuyển sang sử dụng thực phẩm bổ sung để nhận được lượng vitamin D tối ưu. Nhưng việc tiêu thụ quá nhiều loại vitamin này có thể dẫn đến một số tác dụng phụ.
1. Vitamin D là gì?
Vitamin D là một loại vitamin tan trong chất béo từ lâu đã được biết đến với tác dụng giúp cơ thể hấp thụ, giữ lại canxi và phốt pho, cả hai đều rất quan trọng để xây dựng xương.
Thuốc bổ sung vitamin D có sẵn ở hai dạng: Vitamin D2 và vitamin D3.
- Vitamin D2 có nguồn gốc từ thực vật, được tìm thấy trong thực phẩm và một số chất bổ sung.
- Vitamin D3 được hình thành khi phản ứng hóa học xảy ra trên da người, khi một loại steroid có tên là 7-dehydrocholesterol bị phân hủy bởi ánh sáng UVB của mặt trời. Vitamin D3 cũng được tìm thấy trong một số thực phẩm động vật như cá béo, dầu cá, một lượng nhỏ hơn trong lòng đỏ trứng, gan bò, pho mát và thực phẩm bổ sung.
Vitamin D rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần.
2. Lợi ích của vitamin D
Vitamin D rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. Vitamin D tham gia vào các quá trình sinh học, bao gồm:
- Thúc đẩy sự hấp thụ canxi (biệt hóa tế bào sừng).
- Đảm bảo sự phát triển và tái tạo xương khỏe mạnh.
- Điều chỉnh sự phát triển của tế bào.
- Giảm viêm.
- Duy trì một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.
Vitamin D cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa một số bệnh. Người có hàm lượng vitamin D thấp có nguy cơ cao bị còi xương và nhuyễn xương - hai bệnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính toàn vẹn của xương.
Mức độ vitamin D thấp cũng có liên quan đến một số dạng rụng tóc. Gần đây, các nghiên cứu còn chỉ ra rằng, thiếu vitamin D có thể là nguy cơ gây ra nhiều bệnh như: Ung thư, đái tháo đường... Vì vậy, việc xác định nhu cầu vitamin D khuyến nghị rất quan trọng góp phần dự phòng nhiều bệnh liên quan đến vi chất này.
Tuy nhiên nếu bổ sung vitamin D liều cao cũng tiềm ẩn rủi ro. Việc bổ sung hàm lượng vitamin D cao liên tục trong thời gian dài có thể không gây ra độc tính rõ ràng trong thời gian ngắn, nhưng có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc các triệu chứng thông thường.
3. Làm cách nào để biết bị thiếu vitamin D?
Nhu cầu vitamin D chính là lượng vitamin D có thể đảm bảo cho cơ thể không bị thiếu thông qua xét nghiệm hàm lượng 25(OH)D trong máu. Vì vậy nếu nghi ngờ bị thiếu vitamin D, cần thăm khám sức khỏe tại các cơ sở y tế để được đánh giá và có chế độ bổ sung vitamin D phù hợp.
Sự thiếu hụt vitamin D có thể xảy ra do chế độ ăn uống thiếu chất, hấp thu kém hoặc có nhu cầu chuyển hóa với lượng cao hơn. Nếu không ăn đủ vitamin D và không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong một thời gian dài, sự thiếu hụt có thể phát sinh.
Những người không thể dung nạp hoặc không ăn sữa, trứng và cá, chẳng hạn như những người không dung nạp lactose hoặc những người theo chế độ ăn thuần chay, có nguy cơ bị thiếu hụt cao hơn. Những nhóm khác có nguy cơ thiếu vitamin D cao bao gồm:
- Những người bị bệnh viêm ruột (viêm loét đại tràng, bệnh Crohn) hoặc các bệnh lý khác làm gián đoạn quá trình tiêu hóa chất béo bình thường.
- Những người béo phì có xu hướng có lượng vitamin D trong máu thấp hơn.
- Những người đã trải qua phẫu thuật cắt bỏ dạ dày, thường cắt bỏ phần trên của ruột non, nơi vitamin D được hấp thụ.
Mặc dù thiếu hụt vitamin D rất phổ biến, nhưng cũng có thể xảy ra tình trạng có quá nhiều vitamin D. Quá nhiều vitamin D, còn được gọi là ngộ độc vitamin D hoặc tăng vitamin D, có thể gây ra một số nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng. Đây là lý do tại sao trước khi bổ sung vitamin D cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo không bổ sung liều lượng lớn có thể gây hại cho cơ thể.
Thực phẩm giàu vitamin D.
Nếu chỉ ăn các thực phẩm tự nhiên và tắm nắng thì không có nguy cơ thừa vitamin D. Nhưng, nếu uống bổ sung vitamin D hoặc ăn các thực phẩm bổ sung vitamin D thì cần chú ý giới hạn tối đa. Giới hạn này ở trẻ em < 6 tháng là 1000 IU/ngày, ở trẻ 6-12 tháng là 1500 IU/ngày, trẻ 1-2 tuổi là 2500 IU/ngày, trẻ 3-7 tuổi là 3000 IU/ngày, và từ 8 tuổi trở lên là 4000 IU/ngày.
Trên thực tế, nhiều trường hợp ngộ độc vitamin D là do sai số về liều lượng dẫn đến lượng vitamin D được đưa vào cơ thể cao hơn đáng kể.
4. Độc tính của vitamin D
Nếu tiêu thụ quá nhiều vitamin D, cơ thể sẽ không thể đối phó được dẫn đến nhiều tác dụng phụ. Ví dụ, nếu quá nhiều vitamin D tích tụ trong cơ thể, có thể kích thích phản ứng từ gan, làm tăng bài tiết 25 (OH) D. Hóa chất này tham gia vào quá trình hấp thụ canxi và có thể giải phóng nhiều canxi hơn trong máu.
Nếu cơ thể không có đủ canxi để đáp ứng nhu cầu, nó sẽ bắt đầu lấy canxi từ các khu vực khác, như xương. Tình trạng tăng canxi này được gọi là tăng canxi huyết, một tình trạng rất nghiêm trọng mà bệnh nhân ung thư và những người bị cường cận giáp thường gặp phải.
Quá liều vitamin D có thể gây các tác dụng phụ, bao gồm:
4.1 Tăng canxi huyết
Đây là tác dụng phụ phổ biến nhất của quá nhiều vitamin D. Đó là tình trạng có quá nhiều canxi trong máu, gây căng thẳng cho đường tiêu hóa. Có thể biểu hiện như buồn nôn, nôn và đau bụng, cảm thấy khát và đi tiểu thường xuyên.
4.2 Ảnh hưởng đến cấu trúc xương
Quá nhiều vitamin D trong cơ thể làm giảm lượng vitamin K, vốn có nhiệm vụ giữ canxi liên kết trong cấu trúc xương. Nếu thiếu vitamin K sẽ khiến xương bị mất canxi khiến xương trở nên yếu hơn.
4.3 Suy thận
Quá nhiều vitamin D, thận có thể không thể hoạt động tối ưu. Mức canxi tăng cao do lượng vitamin D cao có thể gây ra sỏi thận.
5. Các triệu chứng của quá liều vitamin D
Độc tính vitamin D có thể xảy ra do uống nhiều chất bổ sung có chứa vitamin D, nhưng không phải do chế độ ăn uống. Việc hấp thụ vitamin D trong thời gian dài trên mức giới hạn trên được khuyến nghị gây ra các triệu chứng ngộ độc.
Một số dấu hiệu cho thấy có thể bị ngộ độc vitamin D bao gồm:
- Mất cảm giác ngon miệng
- Táo bón
- Mất nước
- Chóng mặt
- Mệt mỏi
- Huyết áp cao
- Cáu gắt
- Buồn nôn
- Đi tiểu thường xuyên
- Yếu cơ
- Khát nước
- Ù tai
Nếu đang gặp các triệu chứng này, hãy hãy đến các cơ sở y tế để thăm khám, chẩn đoán.
6. Điều trị ngộ độc vitamin D
Để chẩn đoán ngộ độc vitamin D, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu để cho biết lượng canxi trong máu. Nếu một người bị nhiễm độc vitamin D, thì nồng độ canxi sẽ cao bất thường. Tăng canxi huyết do nhiễm độc vitamin D phải được điều trị khẩn cấp một khi canxi huyết thanh được xác định là trên 14 mg /dL.
Điều trị bao gồm:
- Tránh các nguồn vitamin D bên ngoài
- Chế độ ăn uống ít canxi và phốt pho
- Truyền tĩnh mạch nước muối không chứa canxi
- Thuốc lợi tiểu quai để giúp bài tiết canxi
- Glucocorticoids, calcitonin và bisphosphonates cũng được sử dụng trong điều trị ngộ độc vitamin D.
7. Cách bổ sung vitamin D an toàn
Trong hầu hết các trường hợp, có thể nhận được lượng vitamin D cần thiết một cách tự nhiên mà không cần bổ sung thông qua việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và chế độ ăn uống, bao gồm:
- Đi bộ 15 phút bên ngoài mỗi ngày có thể giúp cơ thể tăng cường sản xuất vitamin D.
- Ăn thực phẩm có nhiều vitamin D tự nhiên hoặc tăng cường chất dinh dưỡng. Thực phẩm bạn có thể ăn để tăng mức vitamin D bao gồm: Lòng đỏ trứng, sữa, sữa chua, nước trái cây, phô mai, cá béo như cá ngừ hoặc cá hồi, dầu gan cá...
- Nếu quyết định bổ sung vitamin D để điều chỉnh sự thiếu hụt hoặc vì không thể nhận đủ lượng thông qua ánh sáng mặt trời và chế độ ăn uống, hãy luôn tuân theo hướng dẫn của bác sĩ và không dùng nhiều hơn lượng khuyến cáo.
Theo BS. Nguyễn Kim Chi