VTV.vn - Để đảm bảo sức khỏe cho người thân, đặc biệt là trẻ nhỏ, phụ huynh cần chú ý những bệnh trẻ nhỏ thường gặp trong những ngày Tết cổ truyền.
Hình minh họa.
Viêm đường hô hấp trên
Vào những ngày Tết, cha mẹ tất bật với công việc nên thường xao nhãng trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của trẻ. Ở miền Bắc, những ngày giáp Tết, trời rất lạnh nên trẻ dễ bị viêm đường hô hấp trên như viêm mũi họng, viêm thanh quản, viêm phế quản và viêm phổi nếu không để ý và chữa trị kịp thời rất nguy hiểm cho sức khỏe của bé.
Ở khu vực thời tiết nóng như TP.HCM và khu vực Tây Nam bộ, nắng nóng cha mẹ lại thường xuyên chở con đi chơi, chúc Tết cũng dễ khiến bé bị cảm nắng. Vì vậy, phụ huynh cần chú ý bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho bé, đặc biệt là uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây chứa Vitamin C.
Bệnh về đường tiêu hóa
Ngày Tết, chế độ ăn cho trẻ thường bị thay đổi. Trẻ nhỏ thường không được cho ăn đúng bữa, lượng nước cung cấp cho trẻ không đầy đủ. Ngược lại, trẻ lớn ít bị kiểm soát chế độ ăn như ngày thường nên có thể ăn quá nhiều. Bánh kẹo, mứt tết và nước ngọt là những thực phẩm mà trẻ ưa thích và hay lạm dụng trong ngày Tết. Một số thức ăn khác trong ngày Tết như bánh chưng, bánh tét, lạp xưởng… chứa nhiều chất béo không có lợi cho sức khỏe của trẻ. Lượng rau xanh trong ngày Tết so với ngày thường lại ít hơn nhiều.
Vì thế, trong ngày tết dù bận rộn đến đâu, mẹ cũng nên cho con ăn uống đầy đủ chất cần thiết có đủ cả thịt, cá, trứng và rau quả các loại và nên cho bé ăn đúng giờ giấc và liều lượng vừa đủ. Ngoài ra, để tránh cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa trong dịp Tết, các bậc phụ huynh phải chú ý duy trì chế độ ăn của trẻ như ngày thường. Thức ăn nên chế biến đơn giản, không quá cầu kỳ, không nên cho nhiều gia vị và phải phù hợp với khẩu vị của trẻ.
Đặc biệt, dù là ngày Tết cha mẹ cũng cần phải kiểm soát khẩu phần ăn của trẻ để tránh lạm dụng các thực phẩm như: bánh kẹo, nước ngọt, đồ ăn nhiều chất béo. Nên tăng cường trong bữa ăn rau xanh, các loại thủy hải sản thay vì chỉ sử dụng thịt để chế biến.
Thời tiết ngày Tết ở Nam bộ thường nắng nóng dễ làm trẻ mất nước. Vì vậy việc cho trẻ uống nước thường xuyên là hết sức cần thiết. Đối với trẻ còn đang bú mẹ phải duy trì tối đa nguồn sữa mẹ giúp trẻ có sức đề kháng tốt hơn với các bệnh tật.
Ngộ độc thực phẩm
Tết là dịp không những trẻ em mà ở cả người lớn dễ bị ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân là do thực phẩm được bảo quản quá lâu, không đảm bảo hoặc được chế biến đi chế biến lại nhiều lần.
Trẻ bị ngộ độc thức ăn thường biểu hiện rối loạn tiêu hóa sau khi ăn từ một giờ trở đi. Bé nôn ói vài lần hoặc rất dữ dội, liên tục; đau bụng quặn từng cơn sau đó có thể đi tiêu chảy. Tùy theo tác nhân gây ngộ độc mà triệu chứng nôn ói nổi bật hay tiêu chảy nhiều hơn.
Các bác sĩ Khoa Nhi, Bệnh viện Quốc tế City khuyến cáo: để phòng ngừa, cha mẹ cần đảm bảo thức ăn an toàn và hợp vệ sinh. Chọn thức ăn chế biến an toàn, tránh đồ ô nhiễm. Nấu chín và bảo quản thức ăn đã nấu cẩn thận, tốt nhất là giữ trong tủ lạnh, không để ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ. Hâm kỹ lại thức ăn trước khi ăn. Tạo thói quen cho trẻ rửa tay trước khi ăn, người lớn rửa tay trước khi chế biến thức ăn hoặc cho bé ăn.