Là một trò chơi dân gian khá phổ biến ở Việt Nam. Chơi đu thường diễn ra vào những ngày Tết cổ truyền hay trong các ngày lễ hội đầu xuân ở các hội làng. Theo nhiều nghiên cứu, trò chơi này đã có từ trước thời Hán thuộc.
Từ trong Tết bên cạnh đình hay một thửa ruộng rộng rãi, khô ráo người ta chuẩn bị các cột đu. Họ chọn cây tre to, dài để trồng đu. Một cây đu có thể được trồng bởi 4-6 cây tre to. Cần đu cũng là những cây tre dài nhưng thon nhỏ gọn và chắc để tránh xảy ra trượt hay tuột tay lúc đu nhanh.
Tùy theo sở thích mà người ta đu một hay đu đôi. Khi một người lên cần đu có thể nhờ một người khác đẩy cho mình có đà. Sau đó là tự người đu nhún tùy ý. Đẹp nhất là đu đôi, các đôi trai gái ưng ý lựa chọn nhau lên đu, người nhún người đẩy.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Đánh đu thực sự đã trở thành nét đẹp văn hóa trong các dịp lễ, tết… khi các chàng trai, cô gái trong những trang phục rực rỡ sắc màu, hòa trong tiếng trống, tiếng reo hò cùng bay lên không gian tạo nên bức tranh ngày Tết tràn đầy sức xuân nơi miền quê thôn dã.
Đấu vật: Là một trò chơi thượng võ, cũng là một môn thể thao rất nổi tiếng vào các dịp Tết và lễ hội. Ở Việt Nam, ngoài đấu vật ngày Tết còn có nhiều hội vật tại Làng Sình, Liễu Đôi, Hà Nam, Mai Động... Đặc biệt khi xưa ở vùng Bắc Ninh, Phú Thọ có những lò vật và những đô vật nổi tiếng.
Để khuyến khích tài năng cũng như sự rèn luyện của trai tráng, nhiều làng xã đã treo giải vật rất cao trong ba ngày Tết. Tục xưa, người ta trao giải bằng tiền, bằng mâm đồng, nồi đồng hay một số thứ khác. Quy định chung của cuộc đấu là người chiến thắng phải vật cho đối phương thua trắng bụng (ngã ngửa ra đất) hay nhấc bổng được đối phương lên.
Trong môn vật này không chỉ đòi hỏi sức khỏe mà còn là sự mưu trí và nhanh nhẹn của các đô vật góp phần đáng kể vào việc chiến thắng được đối phương. Về kỹ thuật cũng có những “miếng” riêng của nó như đệm, bốc, ghì... mà tùy theo từng hoàn cảnh và điều kiện đô vật phải biết lợi dụng triệt để các thời cơ quật ngã hay bê bổng đối phương.
Đập niêu đất: Đập niêu đất cũng là trò chơi dân gian khá phổ biến ở nhiều làng quê miền Bắc. Trò chơi thường diễn ra ở sân đình hay trên sân rộng. Trước khi chơi, người ta trồng ở giữa sân hai chiếc cột cách nhau 5m, buộc dây thừng nối 2 thân cột làm giá treo niêu. Một vạch mốc cách giá treo niêu khoảng 3 đến 5m được kẻ làm điểm xuất phát.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Trước khi chơi, trọng tài sẽ trao cho người chơi một chiếc gậy dài khoảng 50cm, những người tham gia chơi đứng dưới vạch mốc và bị bịt mắt nên họ phải định hình hướng đi và ước lượng khoảng cách treo niêu để đập cho trúng một trong những chiếc niêu đang treo trên dây. Người đập trúng niêu sẽ có được phần thưởng ghi trong mảnh giấy nhỏ trong chiếc niêu bị đập vỡ… Trò chơi đập niêu đất ngày nay vẫn là trò chơi thu hút nhiều người tham gia bởi tính giải trí khá cao, mang lại không khí vui tươi trong các dịp lễ, hội.