Bước 1: Cho trẻ được nói lên mong muốn
Học sống tự lập ngay chính trong ngôi nhà của trẻ là việc cần thiết. Để trẻ hào hứng, bố mẹ có thể hỏi mong muốn của các con. Ví dụ: “Hè này các con muốn làm gì”; “Thích được như thế nào”… Thường thì trẻ sẽ nói mong muốn như được đến nhà bạn A, bạn B, được đi bơi, đá bóng, đi du lịch, xem phim…
Sau khi biết mong muốn của trẻ, bố mẹ sẽ lấy những điều đó làm phần thưởng để gợi ý con làm những công việc nhỏ trong nhà. Để trẻ hào hứng tham gia bố mẹ nên hỏi con những câu: “Mẹ thấy bạn Kevin trong phim Ở nhà một mình thật giỏi. Không biết con có thể ở nhà một mình trông nhà, nấu cơm, rửa bát, quét nhà... được không nhỉ”…
Bước 2: Giúp con lên lịch hè
Bố mẹ hãy cùng con xây dựng một thời khoá biểu hợp lý từ lúc ngủ dậy đến chiều tối. Từ việc đánh răng rửa mặt, ăn sáng, quét nhà, ôn bài, nấu cơm, rửa bát cho đến xem ti vi, chơi với trẻ hàng xóm, bơi, xem phim... đều phải chia thời gian cụ thể. Kèm theo thời khoá biểu là các quy định về thưởng, phạt rõ ràng. Nên coi đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của trẻ để trẻ có thái độ nghiêm túc. Đi kèm là treo phần thưởng để khuyến khích trẻ.
Bước 3: Các bài học sống tự lập
Bố mẹ nên tạo cơ hội cho trẻ làm những việc nhỏ để tự chăm sóc bản thân.
Trẻ tiểu học: Những công việc tự phục vụ bản thân mà trẻ bắt buộc phải biết làm là thay quần áo phải biết treo lên mắc áo, quần áo bẩn phải biết bỏ vào máy giặt, uống sữa xong cần phải mang cốc đi rửa, bỏ rác đúng quy định... Bố mẹ cũng nên hướng dẫn để con được tự vo gạo, cắm cơm, nhặt rau, rửa bát...
Trẻ học cấp hai trở lên: Có thể đi chợ mua sắm thực phẩm về nấu ăn hay giặt giũ quần áo, tiếp khách khi bố mẹ vắng nhà. Trẻ ở lứa tuổi này đã có thể trông nhà, tự phục vụ bản thân, thậm chí là biết quản lý chăm sóc em trong độ tuổi không quá bé. Để trẻ lớn ở nhà chơi với em, quản lý và chăm sóc em không những giúp trẻ sống tự lập mà còn tạo cơ hội để thúc đẩy tình thương yêu và hoà thuận giữa các trẻ. Ý thức về sự yêu thương, che chở cho người thân từ đó được hình thành.
Khi để trẻ ở nhà tự làm những việc như nấu cơm, dọn dẹp... bố mẹ cần về nhà vào buổi trưa. Bố mẹ nên để trẻ làm việc này một cách từ từ. Chỉ khi nào trẻ đã thực sự tự ở nhà được một mình một cách an toàn mới có thể đi làm cả ngày được. Một yêu cầu nữa là các hệ thống ổ điện và bếp nấu phải thực sự đảm bảo an toàn cho trẻ.
Bố mẹ nên nói với con: “Con phải đảm bảo được hai yếu tố là an toàn, không gãy chân gãy tay và lúc mẹ về nhà cửa phải ngăn nắp sạch sẽ”… Trong trường hợp trẻ không có anh chị em, bố mẹ không nên để trẻ ở nhà một mình, bởi điều đó có thể tước mất một mùa hè thú vị, vui vẻ đối với trẻ.
Bước 4: Cho trẻ cảm giác thành công qua việc học sống tự lập
Để tạo thành nếp sống ở trẻ, bố mẹ cần phải kiên nhẫn nhắc và yêu cầu con làm nhiều lần cho đến khi trở thành thói quen ở trẻ. Để hình thành thói quen cho con, cha mẹ cần lưu ý: Phân công công việc cụ thể; cho trẻ được làm nhiều lần; có những biện pháp khen thưởng, khích lệ, động viên trẻ.
Để duy trì thói quen làm việc nhà ở trẻ, trong trường hợp bố mẹ ở nhà cùng con, bố mẹ hết sức tránh sự cầu toàn, cần phải kiên nhẫn hướng dẫn để con tự làm việc, nhất quyết không được làm thay con. Ví dụ nếu con rửa bát bị vỡ, bố mẹ không nên mắng mỏ mà chỉ nên xuýt xoa tiếc rẻ để bé có ý thức giữ cho bát không bị vỡ. Mỗi trẻ làm xong việc nào đó, dù làm được hay chưa làm được, bố mẹ vẫn nên dành lời khen ngợi trẻ.
Những lời khen như: “Bây giờ nếu mẹ ốm mẹ sẽ không phải lo lắng vì đã có con nấu cơm cho mẹ ăn rồi”; “Con giỏi hơn bố rồi đấy, bằng tuổi con bây giờ bố nấu cơm toàn sống với khê thôi”... có tác dụng khuyến khích và động viên trẻ. Hãy cho trẻ được cảm nhận cảm giác thành công qua những việc bé thực hiện mỗi ngày. Điều đó sẽ khiến cho trẻ hứng thú khi làm việc.
Đứa trẻ nào cũng khát khao có một mùa hè được tự do thoải mái. Do vậy, muốn con học được bài học sống tự lập trong ngày hè bố mẹ phải đảm bảo các yếu tố vui chơi giải trí của con.
Một số sân chơi cho trẻ ngày hè nếu bố mẹ muốn gửi con cả ngày
Chương trình hè ở các trường quốc tế: Nếu gia đình có điều kiện kinh tế, có thể gửi con tại đây. Các chương trình hè ở các trường này chủ yếu là học mà chơi, chơi mà học thông qua đội ngũ giáo viên nước ngoài, giáo viên tiếng Anh, các tình nguyện viên, dành cho cả học sinh trong và ngoài trường. Tuy nhiên, nếu con đang học ở trường công lập, bố mẹ nên hỏi ý kiến của trẻ trước khi đăng ký. Trẻ thích thì mới đăng ký cho tham gia, bố mẹ không nên ép.
Các lớp học “xuyên hè” : Một số trung tâm tiếng Anh, trung tâm kỹ năng sống cũng mở các lớp học “xuyên hè”, nhận trẻ từ sáng đến tối, rất phù hợp đối với đối tượng các bậc phụ huynh bận bịu. Các trung tâm này nhận trông trẻ dưới hình thức các lớp học tiếng Anh, học kỹ năng sống, hướng đạo sinh... Cha mẹ nên tìm hiểu kĩ mọi thứ, nhất là cơ sở vật chất và điều kiện học tập trước khi gửi con.
Trường mầm non gần nhà: Trong trường hợp bố mẹ không đủ điều kiện kinh tế mà eo hẹp về thời gian thì có thể gửi con đến các trường mầm non dân lập gần nhà. Khi gửi con đến đây, bố mẹ nên xác định đơn giản là có chỗ trông trẻ, và chỉ nên gửi dưới 8 tuổi.
Về quê: Gửi trẻ về quê nhờ ông bà hoặc gia đình cô, dì, chú, bác… là một lựa chọn hay. Trẻ sẽ được thay đổi không khí, thay đổi môi trường sống chật hẹp, hối hả ở thành phố để về với thiên nhiên đồng thời cũng gắn bó với họ hàng hơn. Do vậy, trong trường hợp ông bà còn khỏe mạnh hoặc gia đình cô, dì, chú, bác thậm chí là gia đình bạn bè thân thiết…có thể yêu thương, đảm bảo an toàn cho trẻ thì bố mẹ nên cho con về quê.
Sưu tầm