Cơ quan Phát triển Giáo dục Mầm non (ECDA) Singapore khuyến khích những giáo viên khác tham gia một khóa học về kỹ năng an toàn thân thể cho trẻ do Hiệp hội Trẻ em Singapore cung cấp, giúp giáo viên hiểu rõ hơn về các vấn đề xâm hại tình dục trẻ em cũng như đưa ra chiến lược phù hợp để giải quyết vấn đề.Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội Singapore mới cho biết sẽ hỗ trợ giáo viên mầm non nhiều hơn trong việc giáo dục trẻ về an toàn thân thể và tìm kiếm giúp đỡ từ người lớn khi cảm thấy không an toàn. Thông qua các chương trình phù hợp với lứa tuổi, trẻ sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng để phân biệt giữa "động chạm đúng và sai" và tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết.
Tăng cường đào tạo giáo viên mới
Hiện tại, các chương trình cấp chứng chỉ và chứng nhận do Viện Phát triển Giáo dục Mầm non Quốc gia (NIEC) và các cơ quan đào tạo tư nhân cung cấp đều kết hợp các khái niệm về "xâm hại" và "bỏ bê" trẻ em, bao gồm dấu hiệu và những điều giáo viên nên làm trong các tình huống này. Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội Singapore cho biết: "Cơ quan Phát triển Giáo dục Mầm non (ECDA) đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đào tạo tư nhân để nâng cao nội dung giảng dạy, bao gồm các khái niệm về an toàn thân thể và cải thiện việc cung cấp các chương trình này". Với những tăng cường trong đào tạo, giáo viên mầm non mới sẽ nắm bắt được những điểm cần chú ý và được trang bị tốt hơn để dạy trẻ cách tự bảo vệ mình.
ECDA cũng khuyến khích những giáo viên khác tham gia một khóa học về kỹ năng an toàn thân thể cho trẻ do Hiệp hội Trẻ em Singapore cung cấp. Khóa học sẽ giúp giáo viên hiểu rõ hơn về các vấn đề xâm hại tình dục trẻ em cũng như đưa ra chiến lược phù hợp để giải quyết vấn đề. Ngoài tăng cường đào tạo giáo viên mầm non mới, Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội Singapore và các đối tác cộng đồng cũng liên hệ với một số trường mầm non để tổ chức nâng cao nhận thức về gia đình cho khoảng 189 giáo viên mầm non, nhân viên và tình nguyện viên. Ngoài ra, Bộ cũng đào tạo nhiều tình nguyện viên cấp cơ sở nhận biết các dấu hiệu bạo lực gia đình, đồng thời mở rộng phạm vi tiếp cận và đào tạo.
Hướng dẫn cho trẻ "Tín hiệu cầu cứu bằng tay"
Khóa đào tạo hướng đến việc trang bị cho người tham gia cách xác định và có phản ứng phù hợp với "Tín hiệu cầu cứu bằng tay", được thực hiện bằng cách giơ một tay với ngón cái gập vào lòng bàn tay, sau đó gập bốn ngón tay còn lại lên ngón cái. "Tín hiệu cầu cứu bằng tay" có thể được sử dụng cho bất kỳ ai, kể cả trẻ em, đối tượng từng bị bạo lực gia đình nhưng không thể nói ra nhu cầu cần giúp đỡ. Tín hiệu này đang được thúc đẩy như một phần làm mới từ chiến dịch "Break the Silence" (tạm dịch: Phá vỡ sự im lặng) nhằm nâng cao nhận thức về bạo lực gia đình được khởi động vào tháng 11/2021.
Theo bà Sun Xueling, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Bộ trưởng Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội Singapore, điều quan trọng là giáo viên mầm non cần phải được trang bị những kỹ năng phù hợp để giảng dạy cho trẻ trước tuổi đi học về an toàn thân thể. "Sau các khóa đào tạo, giáo viên mầm non sẽ có khả năng tốt hơn trong việc giúp trẻ mẫu giáo tự bảo vệ bản thân, chưa kể họ cũng đóng vai trò trong việc phát hiện sớm bạo lực gia đình và xâm hại tình dục", bà Sun nói.
Bà Sun cho biết, kiến thức về an toàn thân thể là điều cần thiết trong việc ngăn chặn xâm hại tình dục và bạo lực gia đình. "Điều quan trọng là chúng ta phải dạy con cái về an toàn thân thể từ khi còn nhỏ để trẻ có thể tự bảo vệ mình khi người khác có hành động động chạm không phù hợp. Trẻ em cũng cần được dạy phải lên tiếng và nói cho những người lớn đáng tin cậy biết khi chúng cảm thấy không an toàn".
Nguồn tin: Nguồn https://phunuvietnam.vn